Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Rà soát quy hoạch, sớm khởi công đường Vành đai 4 TP.HCM

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị Sở GTVT các tỉnh có tuyến Vành đai 4 TP.HCM đi qua khẩn trương đối chiếu, rà soát quy hoạch hiện hữu để triển khai dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với 5 tỉnh, thành phố để triển khai dự án đường Vành đai 4.

Sáng 22/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với đại diện Sở GTVT các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Bình Dương để tiếp nhận báo cáo nghiên cứu, đồng thời chỉ đạo các nội dung liên quan quy hoạch, đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

Nỗ lực khởi công vào năm 2025

Báo cáo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, tuyến Vành đai 4 có tổng chiều dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố.

Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km, Đồng Nai: 45,6km, Bình Dương: 47,45km,TP.HCM: 17,3km và Long An: 78,3km.

Ở giai đoạn 1, dự án có bề rộng mặt đường từ 22m - 27m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 105.964,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng.

"Trừ đoạn thuộc Long An, đoạn tuyến Vành đai 4 của các địa phương còn lại đều thuộc nhóm A theo Luật đầu tư công", ông Lâm thông tin nhằm đề xuất phương án triển khai phù hợp trên tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề xuất có thể tín nhiệm Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) làm tư vấn dự án, bởi đơn vị này từng tham gia dự án Vành đai 4 TP Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Về phương thức đầu tư, theo ông Lâm, phương án 1 là các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án tại mỗi tỉnh, đáp ứng tiến độ khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

Phương án 2 là gộp toàn bộ tuyến Vành đai 4 thành một dự án để thực hiện. Nhưng phương án này sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư rất lớn, kéo dài thời gian chuẩn bị và khó đáp ứng tiến độ đề ra.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: "Trừ đoạn thuộc Long An, đoạn tuyến Vành đai 4 của các địa phương còn lại đều thuộc dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công".

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, hiện nay tỉnh đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Sở Kế hoạch đầu tư đang thẩm định. Lãnh đạo tỉnh nhận định đây là dự án rất quan trọng giúp kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với sân bay Long Thành, thúc đẩy kinh tế địa phương và liên kết vùng.

"Tuy nhiên, các vấn đề về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, nguồn vật liệu, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương hiện chưa có cơ chế, hướng dẫn nên vẫn đợi Tỉnh ủy thống nhất phương án gửi Bộ GTVT để trình Chính phủ xem xét", ông Chí cho biết.

Ngoài ra, chiều rộng Vành đai 4 theo nghiên cứu tiền khả thi tại các địa phương chưa tương đồng, có nơi 22m, có nơi 25,5m, có nơi 27m nên rất cần góp ý thêm về chuyên môn từ Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, do nguồn vốn đầu tư rất khó khăn nên Đồng Nai nghiên cứu mặt cắt ngang đường Vành đai 4 chỉ 22m.

Địa phương kỳ vọng nếu xin được cơ chế hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương bố trí sẽ chọn phương án mặt cắt ngang 27m. Đối với hạng mục cầu Thủ Biên nối Bình Dương và Đồng Nai, kiến nghị giao Bình Dương đảm nhận.

Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 4 qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố.

"Vấn đề gian nan nhất khi triển khai dự án Vành đai 4 là cơ chế đặc thù về vật liệu san lấp. Hiện nay, các mỏ vật liệu hầu hết là đất của người dân, tư nhân canh tác, sản xuất.

Tuy nhiên, khi các nhà thầu hợp tác với người dân thì sau khi khai thác xong lại trở thành đất Nhà nước. Vật liệu không thiếu nhưng vướng cơ chế nên khan hiếm", ông Bôn nhận định.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, hiện địa phương đã cùng đơn vị tư vấn nghiên cứu xong, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 47.068 tỷ đồng. Nguồn vốn rất lớn nên cần kiện toàn ban quản lý hoặc thuê ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT để thực hiện quản lý dự án ngay từ bước chuẩn bị đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, việc triển khai Vành đai 4 tại địa phương khá thuận lợi. Tỉnh đã duyệt phương án đầu tư PPP, một số đoạn trên tuyến đã làm đường song hành hai bên. Hiện, nhà đầu tư cũng đã nộp hồ sơ về Sở GTVT để thẩm định, dự kiến sau 7-10 ngày sẽ mời đại diện Bộ GTVT tham dự chỉ đạo.

Đối với hạng mục cầu Thủ Biên nối Đồng Nai, ông Tuấn kiến nghị xin chủ trương dùng ngân sách đầu tư công của Bình Dương để làm.

Vành đai 4 sẽ là liên kết vùng quan trọng

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị các cơ quan thuộc Bộ GTVT như Cục Đường bộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Viện Chiến lược và phát triển GTVT tham mưu cho Bộ, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chi tiết, phân tích lưu lượng giao thông qua tuyến.

Đối với các địa phương, cần gấp rút đối chiếu, rà soát lại quy hoạch của tỉnh xem các hướng tuyến được duyệt chưa, hiện trạng các khu công nghiệp, khu dân cư ra sao để từ đó bố trí các nút giao phù hợp.

"Bộ GTVT kỳ vọng Vành đai 4 không chỉ là tuyến liên kết vùng Đông Nam Bộ mà còn mở ra hướng kết nối thông thoáng với khu vực Tây Nguyên", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.

Chiều nay, Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và các tỉnh thành bàn phương án đầu tư, cơ chế triển khai Vành đai 4.

Minh Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-truong-le-anh-tuan-cac-dia-phuong-khan-truong-ra-soat-de-lam-vanh-dai-4-192240222142621988.htm