Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng thể của Đại học vùng

Đó là đề xuất của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại Hội thảo quốc gia '30 năm đại học vùng - thực tiễn và triển vọng'.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo quốc gia "30 năm đại học vùng - thực tiễn và triển vọng”.

Tạo điều kiện và cơ hội để các Đại học vùng thực hiện sứ mạng

Hội thảo do Đại học Thái Nguyên phối hợp với Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng tổ chức tại Thái Nguyên, chiều ngày 3/4/2024.

Dự hội thảo có TS Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Đại biểu Quốc hội; ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên; Hòa Bình, Yên Bái, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng qua 30 năm phát triển đã trở thành những đại học lớn nhất của cả nước. Sự lớn mạnh này không chỉ ở quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất mà còn đóng góp cho các địa phương, các vùng.

Các đại học vùng đã trở thành đại học đa lĩnh vực, đóng vai trò nòng cốt trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại từng vùng kinh tế, xã hội. Các đại học vùng đã giúp mở rộng cơ hội học tập chất lượng cao đối với người dân trong vùng, đặc biệt là những vùng khó khăn. Đồng thời, đóng góp vào đào tạo nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên.

Đối với sự phát triển của đại học vùng trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kỳ vọng các đại học vùng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp tốt hơn nữa trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, tư vấn chính sách.

Trước mắt, các đại học vùng cần nghiên cứu cải tiến, đổi mới cơ cấu, tổ chức hoạt động để phát huy vai trò của các trường thành viên và phát huy sức mạnh tổng thể của đại học trong một khối liên kết hữu cơ, liên kết ngành và liên kết giữa các trường trong khu vực. Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thẩm quyền để sửa đổi chính sách, phối hợp với các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ để làm sao trao cho các đại học vùng điều kiện và cơ hội để thực hiện sứ mạng.

Đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động hiện đại.

Hiện, Đại học Thái Nguyên đã xây dựng được một cơ cấu tổ chức tương đối phù hợp, có khả năng tập trung nguồn lực chung hướng tới “cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung” với 7 trường đại học thành viên và 1 trường cao đẳng, các đơn vị thuộc và trực thuộc, các trung tâm, viện đào tạo và nghiên cứu phục vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thực hiện tốt “nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Các đại biểu trao đổi thảo luận tại hội thảo.

Phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực sáng tạo và khát vọng cống hiến. Nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh NCKH&CGCN, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; các chỉ số xếp hạng nhờ đó tăng nhanh và vào Top đầu các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Phát triển chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế...

Sau phiên toàn thể của hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về những thành tựu, kết quả đạt được trong 30 năm vừa qua; những khó khăn vướng mắc trong quá trình vận hành liên quan đến cơ chế, chính sách; những định hướng phát triển trong những năm tới thông qua một số tham luận như: Đại học Huế: 30 năm nhìn lại; Cần thay đổi cấu trúc và cơ chế quản trị để Việt Nam sớm có được các đại học đa lĩnh vực đích thực; Tự chủ học thuật đối với đại học vùng, khó khăn và thách thức.

Đồng thời, các đại học vùng cũng có đề xuất với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc qua đó góp phần tiếp tục phát huy những lợi thế, xây dựng các Đại học vùng ngày càng lớn mạnh.

Đại học Thái Nguyên nhận bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái.

Nhân dịp này, Đại học Thái Nguyên vinh dự đón nhận bằng khen của UBND các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-truong-hoang-minh-son-tiep-tuc-phat-huy-suc-manh-tong-the-cua-dai-hoc-vung-post677931.html