Thứ trưởng Bùi Văn Ga: 'Về cơ bản, số lượng tiến sĩ đã đủ yêu cầu'

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ ngày 23.11 các quy chế đào tạo tiến sĩ để nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo đã chính thức được Bộ thông qua.

Trao đổi với báo chí cụ thể hơn về vấn đề này, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay: Có thể nói, về số lượng tiến sĩ, đến thời điểm này cơ bản chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu của đề án trên. Nhưng về chất lượng thì còn có vấn đề. Giờ đã đến lúc cần phải quan tâm vấn đề chất lượng.

Vấn đề của chúng ta là nguồn lực có giới hạn trong khi đầu tư dàn trải thành thử chỉ có thể đầu tư mỗi nghiên cứu sinh (NCS) trong nước là 15 triệu đồng/năm, giờ thì đã thấy rõ không ổn. Nội dung cốt lõi của quy chế mới sẽ siết chặt chất lượng, xem chất lượng là hàng đầu và phải đủ tiêu chuẩn để hội nhập quốc tế.

Chỉ ra các vấn đề cốt lõi để cho chất lượng tiến sĩ của Việt Nam đang "vàng thau lẫn lộn", nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc cho rằng hiện nay ở nước ta còn những luận án tiến sĩ hay các bài báo chưa được chuẩn xác. Đặc biệt các tiến sĩ thường mua bài để được đăng báo công trình của mình chứ không phải do chất lượng nghiên cứu mà được đăng. Có những bài báo chất lượng thật, lẫn vào trong những bài báo công bố của các tiến sĩ "dỏm" khiến những người đọc không thể phân biệt đâu mới là tiến sĩ có trình độ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT GS.TSKH Phạm Minh Hạc

"Số lượng tiến sĩ phục vụ cho công tác giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ lại quá ít, trong khi đó tại các viện đào tạo lại đào tạo cùng lúc mấy nghìn tiến sĩ, thạc sĩ và điều này dẫn đến sự dư thừa, không đảm bảo chất lượng.

Để đổi mới đào tạo sau ĐH, chúng ta phải nâng cao chất lượng của người hướng dẫn nghiên cứu sinh, phương pháp hướng dẫn phải phù hợp và cách thức thực hiện tuyển chọn, bảo vệ luận án phải nghiêm túc. Các cơ sở được tuyển chọn, đào tạo sau ĐH không nên tuyển sinh ồ ạt, quá nhiều. Đừng biến cơ sở đào tạo của mình thành "lò đào tạo tiến sĩ".

Theo quan điểm của tôi, trong một quy trình đào tạo, một cán bộ có thể hướng dẫn 5 thạc sĩ và 3 tiến sĩ, không nên hướng dẫn nhiều hơn con số này. Như vậy, chất lượng đào tạo sau ĐH mới đảm bảo được, phải có mục tiêu, quy chế gắt gao, chuẩn xác đào tạo cho các tiến sĩ" - GS. Phạm Minh Hạc cho hay.

Đồng tình với quan điểm của GS. Phạm Minh Hạc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Giảng viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng ở những năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo được tiến sĩ trong nước và chất lượng đào tạo ổn định, không hề có một lời kêu than nào, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn.

Thời gian qua, đào tạo tiến sĩ Việt Nam đã tiếp cận với đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế. Mặc dù, nguồn lực đầu tư hạn chế nhưng có sự nỗ lực cơ sở đào tạo, nhiều tiến sĩ đã có nhiều bài báo quốc tế nâng chất lượng đạt chuẩn lên. Tuy nhiên, vẫn còn luận án tiến sĩ bảo vệ rồi nhưng kiểm tra lại chất lượng thì không đạt do cơ sở quản lý lỏng lẻo, quy mô hiện nay đào tạo tiến sĩ quá nhiều.

Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, việc còn tồn tại nhiều tiến sĩ “dỏm”, chất lượng vàng thau lẫn lộn, một phần do các cấp quản lý chuyên môn chưa công bằng, chưa sáng suốt khi quản lý việc cấp bằng tiến sĩ.

GS Đức đề nghị có quy định cần sàng lọc, chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó trách nhiệm của người hướng dẫn rất quan trọng phải có trình độ chuẩn quốc tế. Nâng cao chất lượng ngoại ngữ của các tiến sĩ, hoặc nghiên cứu sinh.

"Với quy chế mới được ban hành, siết chặt ngoại ngữ ở đầu vào khi bắt đầu thi buộc các "tiến sĩ tương lai" phải học, phải hiểu các vấn đề mới để có thể tiếp cận với kiến thức chuẩn của tiến sĩ. Phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong và ngoài nước. Đó mới thật sự là đổi mới, là thật sự "tiến sĩ không còn nằm trên giấy" - GS. Nguyễn Đình Đức nêu rõ.

Hiện nay cả nước đang triển khai đào tạo 971 ngành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó có 114 trường đại học, 42 viện nghiên cứu. Quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2015-2016 là 13.598 nghiên cứu sinh. Năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ đối với 57 chuyên ngành, thuộc 27 cơ sở đào tạo, sau khi các cơ sở này không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên.

Cũng từ năm 2012, Bộ GD-ĐT siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ, luận án thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo với yêu cầu thẩm định luận án. Từ năm 2016, tiếp tục rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo tiến sĩ (tập trung vào đội ngũ giảng viên).

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/thu-truong-bui-van-ga-ve-co-ban-so-luong-tien-si-da-du-yeu-cau-48929.html