Thu tiền sử dụng đất: Gỡ vướng mắc, tăng tốc từ đầu năm

Tiền sử dụng đất (SDĐ) là khoản thu lớn trong cơ cấu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Do đó, ngay từ đầu năm nay, tỉnh chỉ đạo các huyện, TP, ngành chức năng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán giao.

Xây dựng kế hoạch chi tiết đấu giá đất

Năm vừa qua, mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng song với sự nỗ lực của các địa phương và ngành Thuế tỉnh, kết quả thu tiền SDĐ toàn tỉnh đạt hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, vượt gần 59% so với dự toán T.Ư giao và vượt gần 19% so với dự toán tỉnh giao. Số thu này chiếm khoảng 45% trong tổng thu ngân sách nội địa. Xác định công tác thu tiền SDĐ năm 2024 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ cuối năm 2023, nhiều địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị, tập trung rà soát, quy hoạch quỹ đất, tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB) để sớm đưa vào đấu giá.

Hạ tầng KDC Ao Luông, thị trấn Vôi (Lạng Giang) đang được khẩn trương hoàn thiện để đấu giá đất trong quý I năm nay.

Huyện Tân Yên nhiều năm liền có số thu tiền SDĐ đạt cao. Năm 2023, huyện thu 771 tỷ đồng tiền SDĐ, vượt 271 tỷ đồng so với dự toán được giao. Năm nay, trên cơ sở số thu tiền SDĐ được tỉnh giao 550 tỷ đồng, huyện phấn đấu thu 725 tỷ đồng. Huyện đã quy hoạch 38 khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) để đấu giá.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năm 2024, thị trường bất động sản chưa “ấm” trở lại. Bởi vậy, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức đấu giá cho từng KDC, KĐT theo tháng, quý. Nơi nào có vị trí thuận lợi, GPMB xong sớm, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đấu giá trước để có nguồn thu cho ngân sách. Huyện lựa chọn ngày đấu giá không trùng với ngày các địa phương khác tổ chức đấu giá; giá khởi điểm được xây dựng phù hợp, sát với giá thị trường nhằm thu hút khách hàng".

Được biết, mới đây, huyện Tân Yên đã tổ chức hai phiên đấu giá đất tại thị trấn Cao Thượng, thị trấn Nhã Nam và các xã: Phúc Sơn, Ngọc Vân, Lan Giới với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 74 tỷ đồng. Cuối tháng 1 và đầu tháng 2 tới, địa phương tổ chức 2 phiên đấu giá đất tại các KĐT, KDC thuộc địa bàn các xã: Lan Giới, Song Vân, Phúc Sơn, Ngọc Lý, Tân Trung và thị trấn Cao Thượng với tổng số 126 lô đất, tổng giá khởi điểm hơn 90 tỷ đồng.

Tại huyện Lục Nam, trên cơ sở số thu tiền SDĐ được giao 600 tỷ đồng, ngay từ đầu năm nay, địa phương đã xây dựng kế hoạch thu tiền SDĐ chi tiết. Theo đó, huyện đã rà soát 6 dự án KDC sử dụng vốn đầu tư công để bố trí kinh phí hoàn thiện hạ tầng, sớm đưa vào đấu giá. Điển hình như: KDC thôn Lan Hoa, xã Lan Mẫu dự kiến đấu giá trong quý I; KDC thôn Hổ Lao, xã Lục Sơn giai đoạn II sẽ đấu giá vào đầu quý II… Huyện đôn đốc chủ đầu tư dự án các KDC sử dụng vốn ngoài ngân sách như: KDC số 1, xã Tiên Nha; KDC số 1 xã Lan Mẫu và KDC số 1 xã Tam Dị nộp khoảng 470 tỷ đồng tiền SDĐ theo kế hoạch ngay trong tháng 2/2024.

Không chỉ tại Tân Yên, Lục Nam, các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng và TP Bắc Giang… cũng đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức đấu giá, đồng thời tích cực thu tiền SDĐ đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất.

Không để hụt thu ngân sách

Theo Cục Thuế tỉnh, năm nay, tỉnh giao dự toán thu ngân sách hơn 14,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu tiền SDĐ 6,6 nghìn tỷ đồng. Tháng 1, toàn tỉnh ước thu gần 430 tỷ đồng tiền SDĐ, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 1, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2024, công tác thu ngân sách tiếp tục gặp khó khăn, nhất là thu tiền SDĐ bởi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Theo Cục Thuế tỉnh, năm nay, tỉnh giao dự toán thu ngân sách hơn 14,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu tiền SDĐ 6,6 nghìn tỷ đồng. Tháng 1 năm nay, toàn tỉnh ước thu gần 430 tỷ đồng tiền SDĐ, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trước vấn đề này, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất, quy hoạch các KDC, KĐT. Tập trung cao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB các dự án ngay từ đầu năm; quan tâm bố trí nguồn lực hoàn thiện hạ tầng, sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, không để hụt thu ngân sách. Đồng chí cũng lưu ý, các địa phương đánh giá tổng thể các dự án, xem xét ưu tiên cho các khu đất có giá trị vừa phải, thuộc những địa bàn người dân có nhu cầu thực sự để đưa ra đấu giá trước.

Thực hiện chỉ đạo trên, nhiều huyện, TP đã và đang triển khai nhiệm vụ với quyết tâm cao theo phương châm không kêu khó, chỉ bàn tiến, không bàn lùi nhằm phấn đấu đạt và vượt dự toán được giao. Liên quan đến công tác GPMB dự án KDC, KĐT sử dụng vốn đầu tư công, các huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng… phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB. Nhiều huyện, TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình thu tiền SDĐ theo từng tháng, từng quý gắn với giải pháp cụ thể.

Ví như huyện Tân Yên, định kỳ mỗi tháng họp giao ban kiểm điểm kết quả thu tiền SDĐ 2 lần. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện thường xuyên nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những vướng mắc, đôn đốc công tác thu tiền SDĐ, bảo đảm theo tiến độ đề ra. Tại huyện Lục Nam, đồng chí Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương phân công các đồng chí lãnh đạo UBND huyện phụ trách từng dự án để chỉ đạo GPMB, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, trên cơ sở đó tiến hành đấu giá đất.

Huyện Yên Dũng huy động tối đa nhân lực từ các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể vận động, tuyên truyền người dân đồng thuận GPMB… Sau khi GPMB, các địa phương bố trí kinh phí hợp lý để thi công hạ tầng các KDC. Bởi theo quy định, chỉ khi hoàn thiện hạ tầng, bảo đảm các thủ tục pháp lý, các KDC mới được đưa ra đấu giá. Được biết, năm nay, mỗi huyện, TP dự kiến bố trí từ 200 - 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng các KDC, KĐT .

Bài, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/418335/thu-tien-su-dung-dat-go-vuong-mac-tang-toc-tu-dau-nam.html