Thủ Thiêm trỗi dậy

GiadinhNet - Không phải vùng sâu vùng xa nhưng bán đảo Thủ Thiêm (TP HCM) luôn nghèo khó khiến người dân bán đảo cũng lắm phần cơ cực.

Khát vọng vươn lên của người dân Thủ Thiêm và chính quyền TPHCM đã quyện chặt tạo nên dấu ấn hầm ngầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Đốt hầm đầu tiên dìm thành công ngày 8/3 đánh dấu thời khắc Thủ Thiêm trỗi dậy. Khát vọng vươn lên Sáng 8/3, quyết định không bán cà phê như thường lệ, chị Nguyễn Thị Tiếp, 52 tuổi, một cư dân gốc của bán đảo Thủ Thiêm, ra bờ sông Sài Gòn ngồi ngắm đốt hầm đầu tiên được dìm xuống đáy sông. Nhiều người dân xung quanh nhìn chị say mê ngắm công trình hầm ngầm Thủ Thiêm mà lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí có người còn nói kháy: “Buôn bán không lo. Nhà tới hạn giải tỏa không lo. Bày đặt...”. Mặc kệ, chị Tiếp cứ ngồi ngắm suốt buổi sáng. Không phải ai sống xung quanh và quen biết chị Tiếp ở ấp Cây Bàng, phường Thủ Thiêm, cũng có thể hiểu và lý giải hành động kỳ quặc của chị. Người ta chỉ biết một phụ nữ nghèo, quần quật bán cà phê cốc, nhặt củi ven sông, hái từng cọng rau, câu từng con cá nuôi con. Nhưng ở người phụ nữ này chất chứa một khát vọng sống mãnh liệt. Bố mẹ chị Tiếp là những người đến khai phá vùng đất bưng biền Thủ Thiêm. Đến đời chị Tiếp, năm 13 tuổi chị đã theo bố đưa đò băng sông Sài Gòn mưu sinh. Lập gia đình, chị Tiếp lại tiếp nối nghề đưa đò nuôi con. Cả 3 người con của chị đều trải qua cảnh bị mẹ cột dây vào đò lúc còn thơ dại, vì chẳng có tiền để gửi nhà trẻ. Để tắm gội cho con thơ, chị Tiếp chỉ biết “nhúng” con xuống sông Sài Gòn... Thấm cảnh cơ hàn của phận nghèo nơi bán đảo Thủ Thiêm kém phát triển, dù chỉ cách trung tâm TPHCM một con sông, chị Tiếp quyết chí không để các con sống kiếp đưa đò. “Chúng phải khác mình, phải vươn lên, được học hành tới nơi tới chốn”, chị Tiếp tự nhủ. Vậy là đưa đò hơn 40 năm, chị Tiếp lo cho 3 người con vào cao đẳng, đại học. Mãi đến năm 2003, khi TPHCM có chủ trương xóa đò trên sông Sài Gòn, chị Tiếp mới chuyển sang bán cà phê cốc. Tính từ ngày dìm đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên, chỉ còn 10 ngày nữa là chị Tiếp cũng như tất cả các hộ dân khác phải bàn giao căn nhà hiện đang ở để chính quyền thực hiện xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chiều 9/3, chị Tiếp cùng nhiều phụ nữ khác buôn bán quanh công trường thi công hầm ngầm bàn tính rôm rả kế hoạch mưu sinh sau khi chuyển nơi ở theo diện đền bù giải tỏa. Nơi cư ngụ mới của chị Tiếp là một căn hộ tầng 10 khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi. “Chúng tôi không lo nơi ở nữa vì đã có rồi, thậm chí khang trang hơn. Chỉ lo sinh kế bị “gãy gánh”. Ở đây tuy có vất vả nhưng còn làm ra tiền, về chung cư thì không được như vậy”, chị Tiếp lo lắng. Ngừng một chút, nhìn ra sông Sài Gòn, nơi chiếc tàu kéo đốt hầm Thủ Thiêm vẫn đang quần đảo, chị Tiếp lại cứng giọng: “Ở đời mà, được cái này mất cái kia. Tôi đã mất cả cuộc đời để các con tôi vươn lên. Nay tôi chịu mất luôn sinh kế để vùng đất này, nơi bố mẹ tôi có công khai phá, vươn lên trời cao. Chú cứ nhìn vào bản đồ quy hoạch đang để ngoài đường mà xem. Thủ Thiêm sẽ là một đô thị rất đẹp mà con cái chúng tôi sẽ có cơ hội tận hưởng. Chú nhìn hầm ngầm này, nó như đốt sống cổ nối thân mình Thủ Thiêm với bộ não TPHCM. Bởi vậy hôm dìm đốt hầm, tôi dẹp lo lắng, ngắm và tưởng tượng cho sướng”. Chị Tiếp khiến chúng tôi thật ngạc nhiên. Khát vọng và tầm nhìn của chị vượt khỏi cái nếp sống lo toan thường nhật. Chị Tiếp nói ngày nào chị cũng động viên các con “nếu không nỗ lực vươn lên, các con sẽ không theo kịp nỗ lực phát triển của vùng đất này, cứ nhìn hầm ngầm vượt sông mà suy nghĩ lời mẹ có đúng không?”. Dường như khát vọng vươn lên của con người và vùng đất Thủ Thiêm đã gặp nhau, đang quyện chặt. Bán đảo trỗi dậy “Đốt sống cổ” như kiểu hình dung của chị Tiếp chính là 4 đốt hầm Thủ Thiêm. Kết nối với 4 đốt hầm vượt sông là con đường quan yếu xuyên suốt Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhìn trên bản đồ quy hoạch, con đường này như “cột sống” của cả bán đảo - đô thị mới, từ cột sống đó, các con đường “xương cá” đan xen kiến tạo một khu đô thị hiện đại và linh hoạt. 80 năm qua, bán đảo Thủ Thiêm được kết nối với trung tâm TPHCM bằng phà. Những chuyến phà cần mẫn chỉ có thể chở người mà không chở nổi sự phát triển cho cả vùng đất. Các đây vài năm, TPHCM đã có chủ trương quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm thành khu đô thị mới. Chủ trương này đã làm bán đảo Thủ Thiêm bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, kéo theo hàng loạt dự án phát triển hạ tầng khác trên địa bàn quận 2 kết nối với Thủ Thiêm. Thế nhưng tỉnh giấc và vươn vai trỗi dậy là hai chuyện khác nhau. Trong 4 năm qua, Thủ Thiêm đã tỉnh giấc nhưng phải đến hôm nay, khi “đốt sống cổ” đầu tiên được dìm xuống sông Sài Gòn thì Thủ Thiêm đã trỗi dậy. Dọc theo đường Lương Định Của, bên ngoài ranh giới khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được giải tỏa trắng, hàng loạt dự án tái định cư và khu dân cư mới đang hình thành. “Tốc độ phát triển khu vực sâu bên trong quận 2, nơi trước đây có mơ cũng không dám tưởng lại phát triển như hiện nay, là nhờ chủ trương thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là ảnh hưởng dây chuyền và việc dìm thành công đốt hầm đầu tiên đang khiến sự phát triển của khu vực quận 2 thêm sôi sục”, bà Ngọc Ẩn - Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại quận 2 nói. Người dân cả hai bờ sông Sài Gòn đang nóng lòng chờ đợi những “đốt sống cổ” tiếp theo được dìm xuống lòng sông, hoàn tất hầm ngầm để bán đảo Thủ Thiêm có một diện mạo mới, cùng trỗi dậy với TPHCM. Đỗ Bá-Thanh Giang

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/2010031009049916p0c1000/thu-thiem-troi-day.htm