Thư tay trở thành di sản chung của dân tộc

Hàng trăm bức thư tay riêng tư, chân thực của phụ nữ thời chiến, giờ đây đã trở thành tư liệu, di sản chung của dân tộc.

Sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế. Ảnh: Mộc Lan.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ nhiều hiện vật, di vật quý. Trong đó có hàng nghìn lá thư được viết ở thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Lý tưởng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam

Sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế tuyển chọn những lá thư thời chiến ấy. Những bức thư trong sách góp phần làm rõ, tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Những lá thư thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm những yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư.

Những trang thư tràn đầy tâm tư tình cảm, nỗi niềm nhớ thương nhưng vô cùng chân thực và xúc động, thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu của những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc; cũng là nguyện ước, tâm tình đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp của các mẹ, các chị.

Trong sách, bạn đọc biết tới những lời lẽ đầy yêu thương của bà Nguyễn Thị Thập gửi người cháu nội khi biết tin con trai mình hy sinh ngoài chiến trường. Đó là tâm tình của chị Võ Thị Tần - một trong mười nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc - viết cho mẹ trước khi hy sinh. Là những dòng thư mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm gửi gia đình, những bức thư mà vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương gửi cho nhau…

Tài sản tinh thần cho thế hệ sau

Những trang viết riêng tư, đời thường nhưng chân thực và xúc động ấy giờ đây đã trở thành di sản. Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng mỗi lá thư tay như một trang sử về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của gia đình Việt Nam trong kháng chiến. Giờ đây, những lá thư ấy không chỉ là di sản mà còn là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ.

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - nhận định cả trăm bức thư thời chiến mà cuốn sách tuyển chọn và tập hợp được đã “góp phần tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, yêu chồng, thương con, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì Tổ quốc”.

Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (phải) cho rằng những bức thư tay của phụ nữ thời chiến giờ đây là kỷ vật vô giá. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nói từng trang sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế không chỉ chứa chan những dòng cảm xúc, mà còn cho thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được tái hiện qua từng câu chữ.

“Đây chính là những minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam”, ông Bình nói. Các bức thư là tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, giải phóng đất nước, và để mỗi chúng ta hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà lịch sử mang lại cho hòa bình hôm nay.

Theo Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, thời gian càng lùi xa, những bức thư chính là những vật chứng càng trở nên có giá trị, đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc.

Mộc Lan

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-tay-tro-thanh-di-san-chung-cua-dan-toc-post1460185.html