Thu phí vỉa hè: Chặt chẽ, nhân văn

Quản lý, khai thác vỉa hè có thu phí trên địa bàn TP HCM trong thời gian tới cần hướng đến mục tiêu có lợi cho người dân, đặc biệt là người mưu sinh bằng buôn bán nhỏ lẻ

Ngày 30-8, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp quản lý và khai thác vỉa hè trên địa bàn TP HCM". Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện các sở, ngành và một số tỉnh, thành như TP Đà Nẵng, Cần Thơ.

Xuyên suốt quan điểm có lợi cho dân

Hội thảo nhằm đưa ra các đề xuất, đóng góp với chính quyền TP HCM trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè ở TP HCM để trình HĐND TP trong thời gian tới.

Đa số các chuyên gia tán đồng việc quản lý, thu phí sử dụng vỉa hè và nhận định việc quản lý vỉa hè gắn với các hoạt động kinh tế là nét văn hóa, đặc trưng đô thị của TP HCM. Do đó, cần xem xét thấu đáo trên cơ sở hài hòa giữa việc phát triển các hoạt động kinh tế, bảo đảm mưu sinh cho người dân, trật tự, an toàn giao thông cũng như mỹ quan đô thị.

TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), cho rằng thành phố nên tham khảo kinh nghiệm quản lý, khai thác vỉa hè từ Thái Lan và Singapore cũng như các quốc gia đi trước.

Thành phố cần có quan điểm xuyên suốt là việc thiết lập lại trật tự vỉa hè, đường phố nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho những người lao động nghèo. Trên quan điểm đó đưa ra những quyết sách để người dân hiểu rằng việc đóng thuế phí hay quy hoạch, sắp xếp lại vỉa hè cùng các chế tài... nhằm giúp đỡ chứ không tạo ra xung đột hay hạn chế quyền lợi của họ.

Theo chuyên gia, vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn tạo nên nét đặc trưng của đô thị nhộn nhịp (ảnh phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo TS Dư Phước Tân, kinh nghiệm từ các tuyến phố hàng rong của quận 1 như Nguyễn Văn Chiêm hay Công viên Bách Tùng Diệp cho thấy những nơi này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người bán hàng rong mà còn ổn định trật tự, mỹ quan đô thị cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, 2 khu phố này chỉ có 27 gian hàng với 54 hộ thí điểm, quy mô nhỏ nên chưa thấy tác động lớn.

"TP HCM vừa ban hành quyết định 32 thay thế quyết định 74 về quản lý, khai thác vỉa hè thì nên mạnh dạn nhân rộng mô hình trên đến nhiều địa phương song song với quá trình sắp xếp lại các tuyến phố, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức thu phí cho người dân tham gia kinh doanh. Cùng với đó là nghiêm túc thực hiện chế tài, dần đưa quản lý vỉa hè, lòng đường vào nề nếp" - TS Dư Phước Tân nói.

Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, tuyến phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp đã phát huy giá trị nhân văn, thể hiện sự đồng điệu trong nhận thức của chính quyền và người dân.

Đồng quan điểm, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP HCM, đề xuất đặt quan điểm quản lý vỉa hè trong tổng thể quản lý giao thông đô thị của TP HCM và xem đó là quản lý về mặt văn hóa. Bởi, vỉa hè từ xưa đến nay không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là sinh kế của nhiều hộ dân, tạo nên nét đặc trưng của đô thị nhộn nhịp.

"Để khai thác vỉa hè hiệu quả, tôi đề xuất chính quyền quản lý ở góc độ nhân văn, làm sao sắp xếp, bố trí hiệu quả giúp người dân kiếm sống được mà vẫn bảo đảm mỹ quan, góp phần phát triển văn hóa, du lịch" - PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng nêu ý kiến.

Đa số các chuyên gia tán đồng việc quản lý, thu phí sử dụng vỉa hè.Ảnh: THU HỒNG

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ

Dẫn kinh nghiệm đi trước của quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trong việc tổ chức thu phí quản lý vỉa hè, TS Bùi Ngọc Như Nguyệt, Viện Nghiên cứu phát triển TP Đà Nẵng, nói những biện pháp như minh bạch trong cấp phép sử dụng vỉa hè, xây dựng các tuyến phố chuyên doanh để tạo điều kiện cho người kinh doanh hay tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm... đã giúp chính quyền quận Hải Châu quản lý, khai thác vỉa hè ngoài mục đích giao thông khá hiệu quả.

Tuy vậy, TS Nguyệt cho rằng thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn như xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu mặt tiền nhà với người thuê vỉa hè trước mặt tiền nhà đó.

Để giải quyết hài hòa, đối với nhóm kinh doanh mặt tiền có sử dụng vỉa hè cần dựa trên nguyên tắc những nơi tập trung đông, nhu cầu lớn thì phí sử dụng vỉa hè phải cao. Ngoài ra, thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm vỉa hè… Đối với nhóm nhỏ lẻ và nhóm hàng rong cần quy hoạch vị trí cụ thể được phép thuê và thành lập các khu phố tập trung để buôn bán…

Đưa ra kinh nghiệm quản lý vỉa hè từ các nước như Thái Lan, Singapore, Mỹ, Pháp… nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nguyễn Xuân Đóa, Dương Bảo Cường, Võ Văn Tấn đề xuất 5 nhóm giải pháp để quản lý và phát triển kinh tế vỉa hè tại TP HCM hiệu quả. Thứ nhất, quy hoạch lại không gian đô thị, xác định các khu vực được phép kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường. Đối với các tuyến đường được phép sử dụng vỉa hè cần rà soát, bố trí vị trí phù hợp bằng kẻ vạch, ô, vị trí… Thứ 2, kịp thời bổ sung danh mục các tuyến đường có thể sử dụng ngoài mục đích giao thông theo thực tế hiện nay. Thứ 3, công bố thông tin rộng rải các tuyến đường được phép sử dụng ngoài mục đích giao thông.

Thành lập cơ quan quản lý riêng để quản lý vỉa hè, lòng đường trên cơ sở sắp xếp lại một số đơn vị có chức năng trùng lắp. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ hiện đại như camera giám sát, mã QR… vào quản lý, nhất là ở các tuyến đường chưa bảo đảm quy định về sử dụng tạm thời cho kinh doanh, buôn bán là những giải pháp tiếp theo.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/thu-phi-via-he-chat-che-nhan-van-20230830203323347.htm