Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ở TP. Thái Nguyên: Người dân 'ngóng' chính sách

Nhiều hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn TP. Thái Nguyên đang băn khoăn với câu hỏi: Thành phố đã xây dựng phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố từ nhiều năm nay, liệu có triển khai trong thời gian tới?

Theo phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, TP. Thái Nguyên dự kiến sẽ bố trí vị trí đỗ xe ô tô (có thu phí) giáp đường sắt trên địa bàn phường Quang Trung.

Nhiều năm gần đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; căng treo biển quảng cáo, rao vặt sai quy định… vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại các đô thị lớn trên cả nước. Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, mở các đợt cao điểm xử lý nhưng vẫn còn tình trạng lấn chiếm ngay sau giải tỏa do chưa đảm bảo được lực lượng để duy trì thường xuyên.

Thực trạng này cũng xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là tại TP. Thái Nguyên trong suốt nhiều năm gần đây. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành các quy định về quản lý và khai thác, sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trong các đô thị, khu dân cư trên địa bàn; phê duyệt danh mục đường phố được phép tổ chức điểm đỗ xe trên vỉa hè. UBND TP. Thái Nguyên cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, tình trạng này cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, không xử lý được triệt để.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị, triển khai có hiệu quả quy định của tỉnh, thành phố, lập lại kỷ cương, văn minh đô thị, góp phần tăng thu ngân sách, TP. Thái Nguyên đã xây dựng phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố từ năm 2021. Theo đó, đối tượng nộp phí là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường, vỉa hè trên tuyến đường chính, trong các khu đô thị, khu dân cư vào mục đích kinh doanh, trông giữ xe có thu phí…

Phương án được chia làm 2 giai đoạn triển khai, trong đó giai đoạn 1 thực hiện thí điểm tại các tuyến đường: Bến Oánh, Bến Tượng, Đội Cấn, Thanh Niên, Lê Quý Đôn, Ga Thái Nguyên, Quang Trung. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai sau khi tổng kết giai đoạn 1 và thực hiện tại các tuyến đường còn lại trên địa bàn thành phố.

Về mức thu, chế độ thu, quản lý, sử dụng, quyết toán phí và giá dịch vụ được thực hiện theo quy định. Theo đó, phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sẽ được nộp vào ngân sách thành phố 90%, 10% còn lại chi cho công tác tổ chức thu phí. Qua khảo sát, phương án này đã được chính quyền các phường cũng như đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Ông Vũ Ngọc Ước, một người kinh doanh tại khu vực chợ Đán, phường Thịnh Đán, chia sẻ: Khoảng gần 20 năm nay tôi đều bán hàng trên vỉa hè vì trong chợ không còn chỗ. Hơn nữa, tôi chỉ bán ít rau quả nên cũng không đủ điều kiện để thuê quầy bán thường xuyên. Do vậy, nếu được phép kinh doanh ở đây và đóng phí phù hợp thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí, không còn phải lo bỏ chạy mỗi khi lực lượng chức năng đến.

Còn chị Bùi Thúy Diễm, một người kinh doanh gần khu vực chợ Đồng Quang, phường Quang Trung, cho biết: Tôi thuê quầy chỉ rộng mấy mét vuông, khách ngồi ăn khó tránh khỏi việc tràn ra vỉa hè. Nếu được thuê một phần vỉa hè để kinh doanh thì tốt, tôi bán hàng cũng yên tâm.

Việc bày bán hàng trên vỉa hè diễn ra phổ biến tại khu vực chợ Thái (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên). Ảnh: T.L

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trưng Vương, cho biết: Là một trong những phường trung tâm của thành phố, trên địa bàn phường Trưng Vương có 2 chợ lớn (chợ Thái và chợ Túc Duyên) nên công tác quản lý trật tự đô thị gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, khi được biết có phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, không chỉ chính quyền địa phương mà các hộ tiểu thương cũng rất mong mỏi phương án này sẽ sớm được triển khai, để công tác quản lý trật tự đô thị được đảm bảo, nền nếp.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND TP. Thái Nguyên đã xin ý kiến các sở, ngành liên quan của tỉnh về phương án này từ khoảng hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, do vướng mắc về một số cơ chế, chính sách (trong đó có những quy định không còn hiệu lực pháp lý) nên chưa tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt.

Cũng có câu hỏi được đặt ra là tới đây, TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội áp dụng được việc thu phí là nhờ những vướng mắc về cơ chế, chính sách được gỡ bỏ? Theo thông tin từ cơ quan chức năng của tỉnh và TP. Thái Nguyên, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản mới liên quan đến lĩnh vực này, đây có thể là cơ sở để 2 thành phố lớn triển khai thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Về vấn đề này, các sở, ngành chức năng của tỉnh và TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục nghiên cứu và dựa trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đúng với quy định của pháp luật để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Xét về khía cạnh quản lý trật tự đô thị, phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố có thể được xem là giải pháp tối ưu nhằm từng bước lập lại trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình của các tiểu thương thì cũng còn nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả các nhà quản lý.

Nhiều người cho rằng vấn đề này cần được bàn thêm nhiều nếu áp dụng, bởi lẽ theo quy định thì vỉa hè “sinh ra” không có công năng sử dụng làm nơi kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó, so với Thủ đô Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì TP. Thái Nguyên chưa đến mức cấp thiết cần sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh dịch vụ (dù là tạm thời). Tuy nhiên, các ngành, đơn vị chức năng cũng cần có sự tính toán về vấn đề này, nhất là khi tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng đang bứt phá nhanh như hiện nay.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202312/thu-phi-su-dung-tam-thoi-long-duong-he-pho-o-tp-thai-nguyennguoi-dan-ngong-chinh-sach-d8c2f67/