Thư pháp trong dòng chảy đương đại

Nhân dịp năm mới Xuân Giáp Thìn 2024, Báo Lao động Thủ đô đã có buổi trò chuyện cùng thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - Phụ trách ngành Du lịch Trường Đại học Tôn Đức Thắng để hiểu rõ hơn về văn hóa thư pháp trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Phóng viên: Thưa ông, thư pháp được coi là một môn nghệ thuật lâu đời, dùng để thể hiện tâm tư, tình cảm của con người. Vậy, với cuộc sống công nghệ hóa, hiện đại hóa như ngày nay, thư pháp đang được vận hành như thế nào?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Thư pháp chữ Việt mang lại vẻ đẹp của văn tự, phản ánh những đặc trưng của văn hóa người Việt; thể hiện rõ những đặc tính linh hoạt, tính biểu cảm và tính tổng hợp. Ngoài ra, việc dùng sản phẩm của văn hóa phương Đông là bút lông để viết chữ la-tinh (quốc ngữ) - sản phẩm của văn hóa phương Tây cho thấy thư pháp có sự giao thoa và tích hợp văn hóa Đông - Tây.

Trong quá trình tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, người Việt hiếu hòa tiếp nhận và biến đổi yếu tố mới trên nền tảng văn hóa bản địa, tạo nên sản phẩm văn hóa độc đáo, giàu bản sắc và phù hợp thời đại. Theo tôi, chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, nhưng sự hiện diện của thư pháp Việt đã làm cho giá trị nghệ thuật, mỹ cảm thêm sâu sắc. Thư pháp thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ như thổi luồng sinh khí mới đối với văn hóa Việt.

Phóng viên: Được biết, mỗi năm ông đều sáng tác tác phẩm linh vật theo từng năm với phong cách độc đáo của nghệ thuật viết chữ là họa tự (vẽ chữ thành hình). Từ đâu mà ông có ý tưởng này và họa tự khác gì so với nghệ thuật thư pháp?

Ông Nguyễn Hiếu Tín.

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Thư pháp, thư họa, họa tự đều có chung một ý nghĩa là nghệ thuật của chữ viết. Cụ thể hơn, nếu thư pháp thiên về viết chữ, thư họa thiên về vẽ tranh và ngẫu hứng sáng tạo, thì họa tự thiên về vẽ chữ và cần nhiều ý tưởng sáng tạo.

Họa tự mang tính ước lệ, tượng trưng hơn so với thư pháp, yêu cầu người sáng tác phải xem nhiều tài liệu về linh vật, có tư duy tạo hình, kết hợp đường nét của chữ khớp với hình thể thì mới tạo ra được tác phẩm phong phú và độc đáo. Bên cạnh đó, họa tự có độ khó riêng vì phải đảm bảo bút pháp tự nhiên, thanh thoát, chữ phải có hồn và không quá gượng ép.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết điều mà ông tâm đắc nhất ở lần tái bản đầu tiên của quyển “Thư pháp là gì?” với gần 400 trang?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Tôi hy vọng, tư liệu và hình ảnh trong gần 400 trang sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp. Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật của quốc gia nào cũng có văn tự riêng, đều có thể thăng hoa nét chữ đó để phát triển thành nghệ thuật thư pháp nhưng vẫn giữ được dấu ấn văn hóa quốc gia.

Trong quá trình phát triển nghệ thuật, luôn có sự vận động để thích ứng với hoàn cảnh của thời đại, nghệ thuật thư pháp chữ Việt đã minh chứng rõ nét điều đó trong những năm gần đây. Tuy thư pháp chữ Việt hiện nay còn "non tuổi", đang định hình về phong cách, nhưng tôi nghĩ sẽ hứa hẹn nhiều điều thú vị ở tương lai.

Phóng viên: Năm nay là năm Giáp Thìn, ông đã mất thời gian bao lâu để hoàn thành ý tưởng của mình?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Tôi mất khoảng hơn 6 tháng để sáng tác 9 họa tự về rồng, biểu tượng cho “Cửu long vận hội”. Trong 12 con giáp, rồng là con vật không tồn tại, nhưng hình ảnh rồng xuất hiện nhiều nơi ở các quốc gia phương Đông. Điều này, thể hiện rồng có vai trò rất lớn trong đời sống của các dân tộc châu Á.

Trong văn hóa Việt, rồng gắn liền với nền văn minh sông nước và truyền thống dân tộc; được xem là con vật linh thiêng, tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn mỹ và sức mạnh phi thường. Đặc biệt, rồng còn là biểu tượng văn hóa mang khát vọng cao cả của đất nước với hình ảnh “con rồng cháu tiên”.

Phóng viên: Vậy 9 bức có nét tương đồng hay hoàn toàn khác nhau thưa ông?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

4 ký tự L-O-N-G sẽ được cách điệu, kết hợp khéo léo để tạo ra hình ảnh những con rồng độc đáo, sử dụng màu sắc rực rỡ, tươi vui để đón chào năm mới.

Hình rồng ở bức đầu tiên sẽ có dáng thon thả, uyển chuyển của rồng thời Lý. Hình rồng ở bức thứ hai sẽ có hình thế giáng long hoặc thăng long với dáng uốn lượn thoăn thoắt, tròn trặn. Với hình rồng ở bức số 5 sẽ toát lên sự uy nghi thông qua hình ảnh uốn lượn và phun nước. Bằng cách dùng cọ vung mực, những tia nước bắn ra sinh động giúp hình rồng ở bức thứ 6 trông dũng mãnh và rất có hồn. Nhìn chung, 9 bức họa tự đều thể hiện đặc tính linh hoạt lúc ẩn lúc hiện, lúc trên không lúc lại dưới nước của rồng.

Phóng viên: Trong hơn 20 năm đam mê thư pháp, ông đã từng nghĩ sẽ gác bút, giải nghệ chưa?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Thư pháp như duyên nghiệp đối với tôi, tôi luôn trân quý điều đó. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện một số chuyên luận sâu hơn về thư pháp Việt để mọi người có thể hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp.

Phóng viên: Ngoài vẻ đẹp nghệ thuật của thư pháp thì thư pháp còn có ý nghĩa sâu xa. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Tôi gắn bó hơn nửa đời với thư pháp để tìm giá trị thiêng liêng, cốt lõi. Đối với tôi, thư pháp là nơi gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; giúp tôn vinh được nét đẹp và hồn của dân tộc. Có nghĩa là “văn dĩ tải đạo” - thông qua những câu chữ được chọn lọc để viết tác phẩm, giúp người thưởng ngoạn, treo tranh hiểu thêm về đạo lý và kinh nghiệm sống của người xưa; những vần thơ trác tuyệt, những lời chúc tốt đẹp mang lại giá trị tinh thần. Hình ảnh ông đồ tặng chữ trong Tết cổ truyền là một hoạt động không thể thiếu. Qua đó, thể hiện phần nào truyền thống hiếu học, một dân tộc yêu chữ và kính chữ.

Phóng viên: Ông có lời khuyên gì dành cho những ai đã, đang và sẽ có ý định theo bộ môn thư pháp này?

Ông Nguyễn Hiếu Tín:

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ thích, theo đuổi và cảm nhận được thư pháp là tín hiệu tốt, đáng quý, nên khuyến khích và đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, người chơi phải biết khiêm tốn, kiên trì và nhẫn nại. Bên cạnh đó, phải luôn trau dồi kiến văn, giao lưu, học hỏi ở những người đi trước.Tránh để nghệ thuật thư pháp mất đi sự đam mê mà trở thành thương mại hóa, làm con chữ viết ra sẽ mất “thiêng”.

Lam Ngọc (Thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-phap-trong-dong-chay-duong-dai-165360.html