Thu nhập và sức mua của người Mỹ bị lạm phát ăn mòn

Mức lương của người Mỹ đang tăng mạnh, thậm chí vượt mức trước đại dịch. Nhưng lạm phát đã bào mòn thu nhập và đè nặng lên sức mua của người tiêu dùng.

Theo The Wall Street Journal, mức lương danh nghĩa của người lao động toàn thời gian tại Mỹ tiếp tục tăng cao so với thời kỳ trước đại dịch. Mức tăng trưởng này trung bình khoảng 4% mỗi tháng.

Nhưng lạm phát quá nóng đã bào mòn thu nhập của người lao động, khiến thu nhập thực tế giảm. Kể từ tháng 3/2021, mức lương thực tế của người lao động không hề tăng.

Mức tăng thu nhập trung bình của người lao động qua các năm. Nguồn dữ liệu: Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Tương tự tiền lương, sức mua của người tiêu dùng tại Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Người Mỹ phải chi nhiều tiền hơn vì giá cả tăng, nhưng sau khi điều chỉnh theo lạm phát, tiêu dùng thực tế của họ giảm so với trước đó.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Con số này cũng vượt xa dự báo trước đó của giới quan sát.

Giá xăng - một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất - đã tăng tới 60%, trong khi doanh số bán hàng tại trạm xăng chỉ tăng 50%.

Lạm phát khiến khoảng cách giữa mức chi tiêu danh nghĩa và thực tế đối với các mặt hàng xăng dầu lên tới 10%. Điều này có nghĩa là ngay cả khi trả nhiều tiền hơn, người Mỹ vẫn phải hạn chế di chuyển.

Chênh lệch giữa mức tiêu dùng thực tế và giá cả. Nguồn dữ liệu: Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Ngoại lệ duy nhất là chi tiêu ở các nhà hàng và quán ăn. Doanh thu mảng này tăng gần 14% vào tháng 6, trong khi giá chỉ tăng khoảng 8% so với trước đó.

Vào thời điểm đại dịch mới bắt đầu, chi tiêu tại các quán bar và nhà hàng giảm mạnh tới gần 50%. Nhu cầu đối với những dịch vụ này đã tăng trở lại trong thời gian vừa qua.

Thêm vào đó, lạm phát tăng cao đồng nghĩa với việc chi tiêu danh nghĩa tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi tăng vọt trở lại. Tốc độ tăng doanh thu của những cửa hàng này còn nhanh hơn cả trước khi đại dịch bùng phát.

Doanh thu tại các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và quán bar tăng vọt, thậm chí vượt mức trước đại dịch. Nguồn dữ liệu: Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Theo Wall Street Journal, tất cả những điều trên đều chứng minh rằng dù mức lương và số tiền bỏ ra đang tăng, tiêu dùng thực tế của Mỹ vẫn bị chững lại.

Doanh số bán lẻ hàng tháng đã tăng 30% so với trước đại dịch. Mức tăng này là khoảng 15% kể từ đầu năm 2021, khi đồng USD được điều chỉnh theo lạm phát.

"Đối với những ai có thói quen tiết kiệm, cuộc sống có thể vẫn ổn. Nhưng với một số người thích kiếm đồng nào, tiêu đồng đó, sự sụt giảm trong thu nhập khả dụng thực tế sẽ đáng ngại hơn nhiều tưởng tượng", CNN dẫn lời ông Donald Grimes - nhà kinh tế tại Đại học Michigan - nhận định.

Tổng doanh thu bán lẻ tại Mỹ qua từng năm tính theo đồng USD được điều chỉnh theo lạm phát. Nguồn dữ liệu: Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Nhiều người lao động Mỹ đang nhảy việc để tăng thu nhập. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 2,9% người lao động Mỹ đã bỏ việc trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức 2,3% hồi tháng 2/2020.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo điều này có thể gây ra vòng xoáy tiền lương - lạm phát nguy hiểm. Theo đó, người lao động muốn được nâng lương để trang trải sinh hoạt phí. Đối mặt với chi phí lao động tăng cao, các công ty có thể tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ, từ đó chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng.

"Tăng lương là điều tốt, nhưng nó có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa", bà Diane Swonk - nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton - nhận xét.

Gần 27% nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát khẳng định tăng trưởng tiền lương là nguyên nhân gây ra rủi ro lạm phát trong năm nay. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn các ý kiến cho rằng xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng là mối đe dọa hàng đầu đối với lạm phát.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-nhap-va-suc-mua-cua-nguoi-my-bi-lam-phat-an-mon-post1336976.html