Thu nhập từ xuất khẩu khí đốt của Turkmenistan sang Trung Quốc vượt xa Nga

Lý do cho sự chênh lệch là do Trung Quốc đang mua khí đốt của Nga với giá thấp. Nhu cầu tiền mặt của Điện Kremlin để duy trì ngân sách quốc gia trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã tước đi phần lớn đòn bẩy đàm phán của Moskva trong các thỏa thuận với Bắc Kinh.

Đường ống Power of Siberia của Nga dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp tới 38 bcm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc vào năm 2025. Ảnh: Chính phủ Nga (gov.ru)

Theo mạng tin Eurasianet.org mới đây, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom, đã tuyên bố rầm rộ vào đầu năm 2024 rằng họ đã vượt qua Turkmenistan để trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Trung Quốc xét về số lượng. Nhưng khi nói đến thu nhập từ xuất khẩu loại nhiên liệu này, Ashgabat vẫn vượt qua Moskva.

Cổng thông tin của Turkmenistan, Oil & Gas (oilgas.gov.tm/en), báo cáo rằng trong quý đầu tiên của năm nay, Ashgabat đã thu 2,4 tỷ USD từ xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Con số đó đã được xác nhận bởi Daryo, trang tin tức nổi tiếng nhất Uzbekistan. Báo cáo của Daryo lưu ý rằng Nga đã thu được 2 tỷ USD từ việc bán khí đốt cho Trung Quốc trong cùng thời kỳ.

Lý do cho sự chênh lệch là do Trung Quốc đang mua khí đốt của Nga với giá thấp. Nhu cầu tiền mặt của Điện Kremlin để duy trì ngân sách quốc gia trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã tước đi phần lớn đòn bẩy đàm phán của Moskva trong các thỏa thuận với Bắc Kinh.

Lợi thế của Nga về khối lượng xuất khẩu có thể chỉ kéo dài chừng nào việc giảm giá mạnh vẫn tiếp tục. Một hãng tin độc lập, The Chronicle of Turkmenistan, đưa tin rằng công suất đường ống dẫn khí Power of Siberia của Nga sang Trung Quốc dự kiến là 38 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất của ba đường ống nối Turkmenistan và Trung Quốc là 55 bcm.

Trong khi đó, người đứng đầu tập đoàn Turkmengaz, Maksat Babayev, đã công bố kế hoạch phát triển cái mà ông mô tả là “mỏ khí đốt lớn nhất thế giới” tại Galkynysh: Giai đoạn phát triển đầu tiên đã “đảm bảo ổn định xuất khẩu 30 bcm khí đốt mỗi năm sang Trung Quốc”, giai đoạn thứ hai sẽ đưa thêm 25 bcm khí đốt mỗi năm vào hoạt động. Theo Turkmenportal, giai đoạn phát triển thứ ba có thể cung cấp cho dự án đường ống Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI) đã được lên kế hoạch từ lâu với công suất dự kiến là 33 bcm.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-nhap-tu-xuat-khau-khi-dot-cua-turkmenistan-sang-trung-quoc-vuot-xa-nga-20240507165153870.htm