Thu ngân sách trung ương khó đạt dự toán

Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 cho thấy Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, và ước dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4%. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thu ngân sách trung ương (NSTƯ) ước khó đạt dự toán và có thể đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTƯ có khả năng hụt thu.

Chiều 23-10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước ba năm quốc gia 2018-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước ba năm quốc gia 2018-2020.

Báo cáo kết quả thực hiện hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước ba năm quốc gia 2018-2020 cho biết, tổng thu NSNN năm 2017 ước đạt 1.212.180 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng chậm, tiến độ thu đạt thấp trong ba năm gần đây. Dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017.

Về bội chi NSNN, mức bội chi năm 2017 ước chiếm 3,5% GDP. Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7%GDP, tăng 0,2%GDP so với năm 2017.

Ảnh: VPQH.

Cũng trong chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải (ảnh trên) trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước ba năm quốc gia 2018-2020.

Báo cáo cho biết, Ủy ban TCNS đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước.

Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương (NSĐP), trong khi thu ngân sách trung ương (NSTƯ) ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTƯ có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTƯ, vai trò chủ đạo của NSTƯ khó được bảo đảm.

Một trong những vấn đề nổi lên mà Ủy ban TCNS lưu ý, là thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán, trong đó khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán. Điều này phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 73,9 nghìn tỷ đồng đến hết 30-9-2017).

Về chi NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tổng chi NSNN tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của NSĐP.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng lưu ý một số vấn đề trong quản lý chi NSNN như , công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt, còn nhiều tồn tại trong công tác chuẩn bị đầu tư; vốn ĐTXDCB nguồn NSNN, vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) giải ngân rất chậm. Điều này có nguyên nhân khách quan do thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn; các quy định của pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, về đấu thầu... còn nhiều vướng mắc; nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan do công tác chuẩn bị đầu tư chậm, phân bổ và giao dự toán chậm, thủ tục đầu tư phức tạp; giải phóng mặt bằng khó khăn… Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân bổ vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động đến tăng trưởng kinh tế và giảm thu NSNN.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 23-10. Ảnh: TRẦN HẢI.

Ủy ban TCNS cũng cho rằng dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến và các yếu tố không thuận tác động đến nền kinh tế, hạn chế mức độ rủi ro khi dự toán thu không đạt dự toán.

Về mức bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7%GDP, tăng 0,2%GDP so với năm 2017 mà Chính phủ dự kiến, Ủy ban TCNS cho rằng, việc nâng mức bội chi cao hơn năm 2017 cần có căn cứ lý giải thuyết phục hơn. Theo đó, cần làm rõ việc bội chi NSTƯ và bội chi NSĐP đều tăng so với dự toán năm 2017 có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn không.

Cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức bội chi xuống 3,5%GDP, bằng mức bội chi năm 2017, theo đó đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư chưa thật sự cần thiết, các khoản bố trí không đúng quy định, tích cực thu hồi nợ thuế như đã nêu ở trên.

Về nợ công, Ủy ban TCNS cho rằng, tuy nợ công dự kiến đến cuối năm 2018 vẫn trong giới hạn cho phép, song phản ánh một bức tranh về NSNN không nhiều khả quan, thiếu vững chắc, khả năng trả nợ gốc của NSTƯ còn hạn chế.

Về các đề nghị của Chính phủ, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với các đề nghị giữ lại 50% dự phòng NSTƯ năm 2017; biện pháp kiểm soát bội chi năm 2018 trong trường hợp phát sinh chuyển nguồn TPCP từ năm trước và giải ngân vốn nước ngoài vượt kế hoạch, sẽ điều chỉnh giảm tương ứng dự toán chi TPCP để bảo đảm mức bội chi trong giới hạn đã được Quốc hội quyết định; không ban hành chính sách mới khi chưa cân đối được nguồn; cho phép để lại 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính từ lĩnh vực giao thông của NSTƯ cho địa phương như Chính phủ trình.

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34487002-thu-ngan-sach-trung-uong-kho-dat-du-toan.html