'Thử lửa' cán bộ từ cơ sở

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang tích cực thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, trong đó chú trọng việc đưa cán bộ trẻ, có năng lực về cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn, nhằm khơi dậy các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quá trình ấy, người cán bộ được rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, trau dồi phẩm chất và năng lực lãnh đạo.

Luân chuyển để rèn cán bộ

Trên thực tế, chủ trương luân chuyển cán bộ trẻ, có năng lực về cơ sở để rèn luyện đã được các huyện trên địa bàn tỉnh triển khai ngay từ những nhiệm kỳ trước. Đến nay đã có hàng trăm lượt cán bộ từ các phòng, ban cấp huyện xuống các xã. Điển hình như nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Đề án số 04-ĐA/TU biệt phái 17 cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển, trong quy hoạch cấp phó ngành đang công tác tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, là trưởng phòng, phó trưởng phòng về 17 xã công tác giai đoạn 2017 - 2020. Đây chính là phương pháp đào tạo, rèn giũa giúp cán bộ trưởng thành nhanh chóng, kinh qua thực tiễn được đánh giá cao trong thời gian qua, nhất là ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới, góp phần thử thách, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo toàn diện đối với cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đồng chí Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả (đứng giữa) trao đổi với bà con Nhân dân thôn Nà Chác.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 92 lượt cán bộ. Ở cấp xã hiện đã có 90/138 bí thư cấp xã, 36/138 chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương, trong đó có nhiều cán bộ được luân chuyển về cơ sở.

Điển hình như huyện Na Hang từ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay cũng đã thực hiện nhiều đợt luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã. Một số cán bộ sau khi được thử thách ở xã lại được quy hoạch để trở thành lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện. Thời điểm hiện tại, huyện Na Hang đã có 11/12 xã thị trấn đã luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương, trong đó có 6 đồng chí cán bộ cấp huyện được điều động chức danh Bí thư Đảng ủy xã. Những đồng chí cán bộ cấp huyện được điều động xuống xã đều là những xã vùng khó khăn hoặc các xã có mục tiêu hoàn thành nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Nhiều đồng chí sau khi được điều động luân chuyển trở về đảm nhiệm các chức vụ ở các phòng, ban huyện.

Đồng chí Vũ Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Na Hang được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả. Về cơ sở với vai trò mới, môi trường mới, đồng chí Tuấn dành nhiều thời gian nghiên cứu thực tế, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn của địa phương, nắm bắt tình hình trong cán bộ và Nhân dân. Từ đó có những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí Tuấn cho biết, đây cũng là cơ hội để học tập, rèn luyện, tiếp thu kiến thức ở cơ sở để mình trưởng thành hơn.

Huyện Lâm Bình hiện có 4 xã có cán bộ chủ chốt được điều động cán bộ nguồn từ các phòng, ban của huyện về cơ sở. Tiêu biểu như, đồng chí Triệu Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện được điều động đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, sau đó được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Được thử thách, rèn luyện ở một xã đặc biệt khó khăn, đồng chí Minh có môi trường thể hiện năng lực công tác. Tại Đại hội Hội Nông dân huyện Lâm Bình vừa qua, đồng chí Triệu Văn Minh được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Để thử "lửa" cán bộ, huyện Chiêm Hóa cũng là địa phương thường xuyên thực hiện luân chuyển cán bộ về cơ sở. Huyện vừa thực hiện xong một vòng luân chuyển từ huyện về cơ sở và từ cơ sở về huyện. Hiện nay, huyện có 4 đồng chí cấp phòng được luân chuyển xuống xã. Theo đồng chí Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chiêm Hóa những cán bộ được luân chuyển về địa phương đều phát huy được năng lực công tác. Qua quá trình rèn luyện ở cơ sở các đồng chí được điều động về sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế tại cơ sở để phát huy, vận dụng kiến thức đã được đào tạo bồi dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đợt luân chuyển mới.

Lấy việc đột phá ở cơ sở để đánh giá

Luân chuyển là giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ. Cán bộ đã được quy hoạch thì luân chuyển để đào tạo thông qua thực tiễn ở những vị trí khác nhau, phát hiện nhân tố nổi trội để tiến cử vào những vị trí khác nhau theo nguyên tắc công tác cán bộ giỏi việc nào làm việc ấy là tốt nhất. Để đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện chủ trương giao việc khó, việc đổi mới mang tính đột phá làm cơ sở để đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Trước khi đi cơ sở, các đồng chí được "đặt hàng" giao nhiệm vụ rõ ràng và đánh giá năng lực theo kết quả thực tiễn. Theo chủ trương này, chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ là cơ sở, căn cứ quan trọng để kiểm chứng, đánh giá phẩm chất, trình độ, năng lực thực sự của cán bộ.

Đồng chí Hoàng Quang Tuyên, Phó Bí Thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Na Hang cho biết, mỗi cán bộ được luân chuyển phải đăng ký thực hiện ít nhất 2 việc đột phá. Các đồng chí được luân chuyển công tác đều phát huy năng lực, sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được đánh giá rất cao. Việc luân chuyển này đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đồng chí, giúp nhiều cán bộ trẻ có bước trưởng thành, thông qua sự rèn luyện, thử thách ở cơ sở, cùng với địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lãnh đạo phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương.

Căn cứ vào đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn những cán bộ trong quy hoạch; xem xét các mặt phẩm chất, trình độ, năng lực, sở trường của mỗi cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp. Mục tiêu từ nay đến cuối nhiệm kỳ, huyện phấn đấu 100% chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND là cán bộ được điều động, luân chuyển không phải người địa phương.

Có thể nói, cán bộ huyện về cơ sở mỗi người có cách làm riêng, song kinh nghiệm chung của họ là bám sát cơ sở, nắm chắc công việc ở các lĩnh vực của Đảng, chính quyền, đoàn thể và dựa vào chủ trương, chính sách để chỉ đạo; quyết liệt, gương mẫu, đi đầu, hăng hái trong công tác; gần gũi, giúp đỡ, lắng nghe những trăn trở, kiến nghị của nhân dân... Đi cơ sở để cán bộ có cơ hội trưởng thành. Và thực tiễn là để cán bộ thể hiện được năng lực ở nhiều mặt. Với sự triển khai đồng bộ ở các cấp ủy, địa phương sẽ là sự chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 về công tác cán bộ.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/thu-lua-can-bo-tu-co-so-184049.html