Thu hút lao động tại chỗ

Anh Ngọc

BPO - Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các khâu trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp (DN) thì lao động có tay nghề và ở ngay địa phương đóng vai trò quan trọng. Do đó, việc kết nối cung - cầu lao động được ngành chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh nhằm từng bước cung ứng nguồn lao động có chất lượng. Còn đối với đơn vị sử dụng lao động cũng phải thực hiện nhiều giải pháp để “giữ chân” người lao động.

“Giữ chân” người lao động

Anh Lý Đình Hiếu đã có hơn 10 năm làm việc tại Công ty cổ phần Công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Anh Hiếu cho biết, trước đây anh từng làm ở một số đơn vị nhưng do xa nhà, tốn chi phí đi lại nên không tiết kiệm được. Từ khi Công ty cổ phần Công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam mở tại địa phương, anh xin vào làm việc để cuộc sống ổn định hơn, được ở gần nhà chăm sóc gia đình. Hiện anh rất hài lòng với công việc của mình vì có thu nhập ổn định. Công ty còn hỗ trợ phụ cấp, thực hiện các chế độ khác, vì vậy anh xác định sẽ gắn bó lâu dài. “Làm việc ở ngay địa phương rất thuận lợi cho gia đình tôi. Công việc đều, thu nhập bình quân tốt, điều này giúp tôi yên tâm, đặt niềm tin vào DN để gắn bó lâu dài” - anh Hiếu chia sẻ.

Để thu hút được nguồn lao động tại chỗ, các DN đã tích cực triển khai chiến dịch tuyên truyền, tuyển dụng về đến tận xã, phường; có chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt các vấn đề liên quan tiền lương, phúc lợi, chính sách làm việc linh hoạt.

Công ty cổ phần Công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương - Ảnh: Trương Hiện

Chị Thị Tâm nhà ở huyện Đồng Phú, làm việc tại Công ty TNHH Hạt điều Đồng Phú, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng nên phải ở lại công ty. Chị Tâm cho hay: Dù xa gia đình nhưng được công ty hỗ trợ ở tại khu tập thể công nhân, chúng tôi gắn bó và coi đây như ngôi nhà thứ hai. So với thuê trọ bên ngoài, môi trường ăn ở, sinh hoạt tại khu tập thể tiện ích hơn nhiều. Công ty miễn giảm các chi phí, giúp công nhân tiết kiệm được một khoản trong sinh hoạt. “Công nhân có chỗ ở ổn định sẽ nâng cao sức lao động, năng suất làm việc. Chúng tôi yên tâm làm việc ở đây vì thu nhập khá. Việc bố trí chỗ ở hợp lý, cùng với đó chính sách với người lao động cũng được DN quan tâm rất nhiều” - chị Tâm cho hay.

Đẩy mạnh kết nối việc làm

Không chỉ các DN thực hiện nhiều giải pháp để lao động địa phương không phải “ly hương” tìm việc, nhằm “giữ chân” người lao động tại chỗ, các địa phương, ngành chức năng của tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị, DN tìm lao động có trình độ tay nghề phù hợp yêu cầu công việc.

Làm việc cho các doanh nghiệp ở địa phương, người lao động sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hạt điều Đồng Phú ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng trong giờ làm việc - Ảnh: Trương Hiện

Để giúp người lao động và DN “tìm” được nhau, những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Trong đó, đơn vị đã chủ trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động, học nghề và tạo cơ hội cho người lao động được gặp gỡ trực tiếp DN và cơ sở đào tạo nghề. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, phụ trách nhân sự Nhà máy sản xuất ván MDF Chơn Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn Kim Tín chia sẻ: Việc thu hút được nguồn lao động tại chỗ là lợi thế rất lớn đối với sự ổn định và phát triển của DN, không bị biến động lớn về nhân lực. Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng lao động chuyên môn, kỹ thuật cao nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp ở các trường nghề hoặc lao động có tay nghề thì rất nhiều cơ hội việc làm cho DN.

Thời gian qua, các doanh nghiệp dịch chuyển về địa phương để chủ động nguồn lao động tại chỗ. Trong ảnh: Người lao động có tay nghề làm việc tại Công ty Bình Dương Ford chi nhánh Bình Phước - Ảnh: Trương Hiện

Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh cập nhật thông tin kịp thời từ nhà tuyển dụng, từ các khu vực đến địa phương và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về thị trường lao động để giúp người lao động nắm được thông tin, tìm kiếm việc làm thuận lợi hơn. Đồng thời, DN, các nhà tuyển dụng tuyển được những lao động có chuyên môn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh TRẦN ĐẠI KỲ

Nhiều DN đến đầu tư tại tỉnh đã có những bước phát triển và liên tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động. Ông Phạm Thành Luân, Giám đốc dịch vụ Công ty Bình Dương Ford chi nhánh Bình Phước cho biết, khi tuyển dụng, công ty luôn ưu tiên lao động là người địa phương. “DN luôn cần người lao động có kỹ thuật, tay nghề. Người lao động làm việc ngay tại địa phương, điều này cũng mang lại những thuận lợi không nhỏ đối với đơn vị. Bởi khi cuộc sống ổn định, người lao động càng thêm yên tâm, gắn bó với công việc. Lao động ở tỉnh khác thì một thời gian họ lại về địa phương của mình nên đơn vị phải tiếp tục đào tạo lao động” - ông Luân chia sẻ.

Để người lao động và doanh nghiệp “gặp” nhau, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm - Ảnh: Như Nam

Năm 2023, Bình Phước đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Để đạt mục tiêu này, ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, quan tâm công tác đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp nhằm “giữ chân” nguồn lao động tại chỗ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/149676/thu-hut-lao-dong-tai-cho