Thủ đoạn mới - xin neo tàu để sửa chữa rồi... “xẻ thịt”

Vụ việc xảy ra tại khu vực quản lý của Cảng vụ Hải Phòng. Một doanh nghiệp có công văn xin neo tàu để sửa chữa nhưng thực tế lại “xẻ thịt” con tàu này để bán sắt vụn.

Tàu Green Viship đang bị “xẻ thịt”.

Ngày 20.1, PV Lao Động có mặt tại khu neo đậu tàu thuyền của Cty cổ phần bến bãi Hải Phòng chứng kiến cảnh con tàu Green Viship đang bị “xẻ thịt”. Tại thời điểm trên, toàn bộ cabin tàu đã bị cắt rời, chuyển lên bãi. Công việc phá dỡ vẫn đang được tiến hành và theo những công nhân ở đây thì chỉ khoảng 20 ngày nữa, toàn bộ con tàu này sẽ bị “xóa sổ”. Điều đáng nói, con tàu này được neo đậu ở đây không phải để tháo dỡ mà để sửa chữa.

Tàu Green Viship mang quốc tịch Mông Cổ được Cty CPTM Đại Huy mua từ Cty vận tải biển Viship ngày 21.11.2011. Ngày 4.12.2012, Cty CPTM Đại Huy có công văn gửi Cảng vụ Hải Phòng đề nghị cho tàu Green Viship được neo đậu tại bến của Cty CP bến bãi Hải Phòng để kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa tàu. Được sự đồng ý của Cảng vụ Hải Phòng, Cty CPTM Đại Huy đưa tàu Green Viship về nơi neo đậu.

Tuy vậy, thay vì sửa chữa tàu, doanh nghiệp này lại ngang nhiên “xẻ thịt” con tàu để bán sắt vụn.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng - cho biết: “Quá trình giám sát, chúng tôi đã phát hiện tàu Green Viship bị cắt phần cabin chuyển lên bãi. Cảng vụ Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo Cty CPTM Đại Huy, yêu cầu Cty này dừng ngay việc cắt dỡ tàu Green Viship”. Khi PV phản ánh tới thời điểm này tàu Green Viship vẫn đang bị cắt dỡ, bất chấp ý kiến của Cảng vụ Hải Phòng, ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng: Cảng vụ không có chức năng bắt giữ, xử lý. Chúng tôi đã thông báo vụ việc tới các cơ quan chức năng như CA TP.Hải Phòng, Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hải Phòng...

Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết: Lợi dụng việc neo đậu, sửa chữa nhưng lại đem “xẻ thịt” tàu là hiện tượng mới trong ngành hàng hải. Tại Hải Phòng, cuối năm 2012, một con tàu cũng từng bị “xẻ thịt” theo cách này. Việc lén lút “xẻ thịt” tàu vi phạm một loạt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nguy hiểm hơn là khi một con tàu “biến mất” khỏi tuyến hàng hải nhưng bộ hồ sơ này có thể được sử dụng quay vòng để biến một con tàu “ma” do bị cướp thành một con tàu mới.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/thu-doan-moi-xin-neo-tau-de-sua-chua-roi-xe-thit/100059.bld