Thú chơi xe đạp gấp

Ban đầu, các nhóm xe đạp gấp chỉ từ một vài thành viên tâm huyết, tuy nhiên chỉ trong hơn một năm, cộng đồng này đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố và thậm chí, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng tham gia sôi nổi.

Cộng đồng xe đạp gấp ngày càng mở rộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cộng đồng xe đạp gấp ngày càng mở rộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lợi sức khỏe và tiện ích

Tranh thủ được một cuộc hẹn cà-phê phỏng vấn một số thành viên tâm huyết trong nhóm facebook “Xe đạp gấp siêu cấp - folding bikes”, tôi không khỏi ngạc nhiên khi trước mắt là ba người với vóc dáng trưởng thành đạp thong dong trên những chiếc xe đạp gấp bánh nhỏ với yên và tay lái cao. Khi hỏi ra, họ còn khiến tôi ngạc nhiên hơn, bởi để đến chỗ hẹn trên đường Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm), họ đều đã đạp quãng đường hơn 10km mà không hề lộ vẻ mệt mỏi. Chiếc xe đạp gấp có cấu tạo không khác nhiều so xe đạp thường, tuy nhiên nó được tối giản về trọng lượng, có thể gấp gọn bánh sau, phần khung xe và cả tay lái để xách tay hoặc kéo như va-ly với bánh phụ. Đặc điểm này giúp chủ nhân xe đạp gấp có thể đem theo trong va-ly, trong cốp ô-tô riêng hoặc thậm chí xách lên tàu, xe bus. Anh Trần Thế Nam (38 tuổi), sống tại Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm xuất phát điểm đều là những người yêu xe đạp. Sau dịch, cảm thấy sức khỏe đi xuống nên mọi người chăm chỉ tập hơn. Thế rồi một vài người đã thử mua xe đạp gấp thì thấy đạp không khác xe đạp thường mà lại tiện lợi, nhỏ gọn. Thế là mọi người cứ truyền tai nhau đổi xe tập và trở thành phong trào nở rộ như hiện nay”.

Đối tượng chủ yếu của các nhóm tập xe đạp gấp là nhân viên văn phòng. Họ thường mắc phải những căn bệnh chung về cột sống, xương khớp do đặc thù công việc phải ngồi lâu. Ngoài ra, một số người còn mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa, thần kinh do môi trường làm việc căng thẳng, tiếp xúc nhiều với rượu, bia, ăn uống sinh hoạt không điều độ… “Trước đây, chân tay tôi rất yếu, không đi nổi cầu thang bình thường mà phải bò từng bậc khó khăn. Tình trạng sức khỏe ngày càng xuống sau khi sinh con vì phải tiêm gây mê tủy sống. Nhiều người khuyên tôi tập đi bộ, yoga thì tôi đều đã tập qua nhưng không mấy hiệu quả. Khi vào nhóm tập xe đạp gấp, các thành viên đã khuyên tôi tập xe đạp gấp vì nó phù hợp với vóc dáng. Mọi người cũng nhiệt tình chỉ cho tôi cách mua đồ tốt, tùy chỉnh hay nâng cấp các bộ phận xe và thậm chí cả cách chống chân, cách hít thở, đạp xe sao cho đúng... Sau một vài tháng, kết quả thật sự khiến chính bản thân tôi và nhiều người bất ngờ”, chị Tưởng Thu Hà (42 tuổi), một cô giáo sống tại Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ.

Hơn cả một môn thể thao

“Ban đầu đến với xe đạp gấp vì tôi bị thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy nên bác sĩ khuyên đi xe đạp. Tôi chọn xe đạp gấp vì phù hợp với tư thế ngồi hơi nghiêng người, vì thế lưng nằm ngang khi vận động giúp các đốt cột sống, khớp xương giãn ra và tăng lưu thông máu. Chưa kể, đi xe đạp gấp trong thành thị rất tiện lợi, tôi có thể bỏ vào ô-tô, mang lên tàu, thiết kế nhỏ gọn để đi trong phố. Dùng xe đạp gấp để đi làm giúp tôi cảm thấy chủ động, khỏe khoắn, thoải mái tinh thần khi làm việc. Trung bình mỗi ngày tôi đạp tổng cộng khoảng 35km, đều đặn chỉ trừ ngày mưa”, anh Nguyễn Huy Phong (39 tuổi) cho hay.

Một nguyên nhân nữa khiến phong trào xe đạp gấp phát triển đó là sự lan tỏa và nhiệt tình của những người đi trước với những thành viên mới trong các nhóm xe đạp gấp trên mạng xã hội, hoặc sự vận động trong chính mỗi gia đình, những người thân quen chung quanh họ. Tiêu biểu như nhóm facebook “Xe đạp gấp siêu cấp - folding bikes” thành lập ngày 21/5/2021 đến nay đã có hơn 1.400 thành viên ở khắp các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Hoạt động của nhóm lấy tâm điểm là chia sẻ đam mê xe đạp gấp, nhưng có rất nhiều hoạt động ý nghĩa như trao giải thưởng cho người đạp xe nhiều km nhất để cổ vũ tinh thần thể thao, lập nhóm thiện nguyện đạp xe tới trao quà cho người dân xóm chạy thận, thành lập tổ “thanh niên xe đạp xung kích” chuyên hỗ trợ sửa chữa miễn phí những người đạp xe gặp sự cố trên đường, hay thường xuyên nhắc nhở thành viên nhóm đội mũ bảo hiểm, tuân thủ Luật Giao thông… Không chỉ là gắn kết những thành viên trong nhóm có chung sở thích, xe đạp gấp còn trở thành “cầu nối” nuôi dưỡng mối quan hệ giữa người thân, gia đình của họ. Trường hợp của cô giáo Hà là một thí dụ điển hình, khi các con và học sinh của chị đều noi gương chị mà tham gia tích cực. Trong các chuyến đi của gia đình chị cũng không thiếu được chiếc xe đạp gấp để sống chậm hơn, tận hưởng cái đẹp của từng góc phố, con đường.

“Không thể phủ nhận, trào lưu đi xe đạp nói chung và xe đạp gấp nói riêng tại Việt Nam đang đi hợp xu thế “giao thông xanh” của nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, điều mà hầu như tất cả người đam mê xe đạp như chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay, đó là hạ tầng giao thông sẽ sớm có sự cải thiện, nâng cấp theo hướng chú ý hơn tới sự an toàn, thuận tiện cho những người đi xe đạp”, anh Nam bày tỏ.

Nhìn vóc dáng thể thao và khỏe khoắn hiện tại của chị Hà, khó có thể tưởng tượng trước đó, hai chân chị từng yếu đến mức đứng trên bục giảng còn khó khăn.

VŨ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi/thu-choi-xe-dap-gap-704478/