Thú chơi tao nhã với ước vọng hòa bình

Nghiêm Xá là 1 trong 7 ngôi làng cổ thuộc tổng Chờ xưa, nay là thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh). Từ nhiều đời nay, làng Nghiêm Xá nổi tiếng với hội thi phóng điểu-một thú chơi truyền thống mà ít đâu bì kịp.

Một mỹ tục truyền thống

Hiện nay ở Nghiêm Xá có khoảng hơn 300 người nuôi chim bồ câu. Cả làng Nghiêm Xá ai cũng mê chim bồ câu. Có những cụ ông dù chuẩn bị bước sang tuổi 90 nhưng vẫn mê luyện chim, rồi những người tuổi trung niên, thanh niên, thậm chí cả các cháu thiếu nhi mới 5-6 tuổi cũng “say chim”. Người dân trong làng chơi chim với ý nghĩa để cầu phúc, cầu tài lộc, bình an cho gia đình, quê hương, đất nước. Thú chơi chim ở làng Nghiêm Xá là truyền thống rất lâu đời của địa phương. Ở làng Nghiêm Xá hiện nay đã có đến hàng nghìn “sứ giả hòa bình”, gần 100 “đội hình bay” đẹp có thứ hạng trong các hội thi tranh tài.

Ông Nghiêm Đình Thức năm nay gần 70 tuổi, một người chơi chim bồ câu lâu năm của làng cho biết: "Hình ảnh chim bồ câu bay lên là biểu tượng của ước nguyện tự do, hòa bình của con người. Thú chơi chim xuất hiện ở quê tôi từ rất lâu rồi. Từ lúc còn là đứa trẻ, tôi đã thấy ông nội của mình chơi chim. Luyện chim bồ câu bay, người ta gọi là “phóng điểu”, là thú vui tao nhã. Huấn luyện chim bay, rồi dạy được chim câu chao liệng thành bài là cả một sự gian nan, nhưng rất thú vị”.

Một người dân trong làng Nghiêm Xá luyện chim.

Hằng năm, hội thi chim bồ câu bay đều được diễn ra vào hai mùa hội chính là mùa hạ và mùa thu (tháng 4 và tháng 8). Hội mùa thu luôn được mong đợi hơn cả bởi thời tiết dịu mát, bầu trời xanh cao rộng, mây trong, rất thuận lợi cho việc thả và quan sát đàn bồ câu biểu diễn. Nuôi và luyện chim bồ câu ở làng Nghiêm Xá rất công phu. Người chơi, muốn mang chim câu đi thi, phải trải qua thời gian dài huấn luyện trước mỗi mùa giải từ 1 đến 1,5 tháng.

Trước mỗi mùa giải, mỗi người chơi chim sẽ góp tiền để làm giải thưởng cho người thắng cuộc. Trong số các giải thưởng thì giải Anh tài là giải thưởng cao nhất. Một mùa thi người nào đạt 3 giải cao nhất trở lên được tặng lá cờ Anh tài. Nghiêm Xá là làng có nhiều người nuôi chim đạt được giải Anh tài nhất so với các địa phương khác trong khu vực có truyền thống "phóng điểu". Người đạt giải Anh tài đầu tiên của làng là cụ Nghiêm Đình Ngự, 75 tuổi. Đặc biệt, một người có thâm niên chơi chim được hơn 15 năm (từ 2001) là anh Nghiêm Đình Nam (sinh năm 1974), tính đến năm 2016 đã được tặng 17 giải về huấn luyện chim, trong đó có 4 giải đặc biệt, 4 giải đàn chim bay khá nhất, 1 giải đàn chim xuất sắc nhất, 1 giải ba, 5 giải nhì, 1 giải thưởng đàn chim bay hay nhất và 1 giải thưởng đàn chim đạt giải Anh tài.

Nỗi niềm của những người giữ nghề

Trong làng Nghiêm Xá hình thành các phường chơi chim, gồm: Kinh Bắc, Thăng Long, Ba Miền, Bắc Hà, Miền Đông, Yên Phong, Liên Tỉnh, Trung Tâm. Phường có nhiều lồng chim nhất, khoảng 230 lồng, còn trung bình là 130 lồng chim. Độ tuổi của những thành viên trong các phường hiện từ 18 đến 85 tuổi. Nhớ về những khó khăn, anh Nghiêm Đình Giáp chia sẻ: “Nhiều lúc trong nhà không có gạo để ăn nhưng vẫn phải để dành thóc cho chim. Mình có thể nhịn nhưng vẫn phải cho chim ăn". Hiện tại anh nuôi 50-60 con chim và chưa có ý định sẽ nuôi thêm.

Còn anh Nghiêm Đình Lâm cho biết, đến mỗi mùa giải anh chỉ vực khoảng 30-35 con. Với anh, đó là niềm vui và sở thích chứ không phải vì mục đích kinh tế. Hơn nữa, do thời gian và điều kiện để vực chim gặp khó khăn, bận nhiều công việc, trong khi để vực chim thì ngày nào cũng phải "đuổi" chim với thời gian từ 1 đến 1,5 tháng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Đình Tính, Trưởng thôn Nghiêm Xá cho biết: “Đối với người dân Nghiêm Xá, chim bồ câu như một phần máu thịt của người dân nơi đây. Chỉ mong chính quyền các cấp của địa phương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để nghề luyện chim bồ câu của làng Nghiêm Xá được phát triển rộng khắp hơn nữa, truyền được ngọn lửa đam mê này gửi gắm tới thế hệ trẻ mai sau để họ tiếp tục lưu giữ, phát triển thú chơi tao nhã của quê hương”.

Bài và ảnh: ĐÀO HIỆP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thu-choi-tao-nha-voi-uoc-vong-hoa-binh-518884