Thốt Nốt (Cần Thơ): Cưỡng chế GPMB ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân

Người dân phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ đang rất bức xúc trước việc HĐĐB, hỗ trợ quận Thốt Nốt có biểu hiện bất thường trong quá trình GPMB dự án cầu Thốt Nốt và tuyến tránh cầu Thốt Nốt.

Không chỉ xác định sai loại hình đất, giá trị đền bù giá rẻ, chưa giải quyết xong khiếu nại, tố cáo của dân nhưng UBND huyện Thốt Nốt đã tiến hành cưỡng chế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Bỗng dưng lâm cảnh tranh chấp

Năm 1994, vợ chồng bà Huỳnh Lộc Nhung (khu Lân Thạnh 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) nhận chuyển nhượng thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 4.221 m 2 tại khu vực Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ngày 07/03/1997, UBND quận Thốt Nốt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: BA 118770, số vào sổ cấp GCN: CQ00118, thửa đất số 793, thuộc tờ bản đổ số 03; diện tích 4.221 m 2 , mục đích sử dụng 300m 2 đất ở đô thị và 3.921 m 2 đất trồng lúa. Gia đình bà Nhung đã tập trung rất nhiều công sức đổ đất, tôn tạo với khối lượng 7.000 m 3 đất trong suốt thời gian từ năm 1995 đến nay, đã sử dụng và cho thuê, canh tác hoa màu, phát huy giá trị sử dụng đất để lo kinh tế gia đình.

Bà Huỳnh Lộc Nhung cho biết: diện tích thu hồi 2.362,7 m2 chỉ được đền bù hơn 1 tỷ đồng là quá thiệt thòi cho gia đình bà.

Sau hơn 20 năm quản lý, sử dụng, khai thác giá trị đất, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cần Thơ nói chung và quận Thốt Nốt ngày nay đã khiến phần đất trên có giá trị lớn, là nguồn tài sản chính trong gia đình. Để phát triển kinh tế, gia đình bà Nhung đã thế chấp mảnh đất này tại ngân hàng để vay 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình bà đã bị đảo lộn hoàn toàn khi UBND quận Thốt Nốt tiến hành thu hồi 2.362,7 m 2 đất phục vụ dự án cầu Thốt Nốt và tuyến tránh cầu Thốt Nốt. Giá trị mảnh đất đang từ chỗ hơn 10 tỷ đồng nay chỉ được bồi thường, hỗ trợ 1.444.454.500 đồng (Một tỷ bốn trăm bốn mươi bốn triệu, bốn trăm năm mươi bốn ngàn, năm trăm đồng. Ngày 20/8/2015 số tiền tăng thêm là: 1.872.223.500 đồng (Một tỷ tám trăm bảy mươi hai triệu, hai trăm hai mươi ba ngàn năm trăm đồng) – đối với diện tích thu hồi 2.362,7 m 2 .

Mức giá bối thường được áp đặt chỉ 675.000 đồng/m 2 đối với diện tích 1.676,5m 2 và 135.000 đồng/m 2 đối với 686,2 m 2 còn lại trong khi với vị trí tương đương và giá trị thị trường thì giá đất không dưới 6.000.000 đồng/m 2 . Mức giá nêu trên là quá thấp, chỉ phù hợp với đất trồng lúa ở nông thôn, không phù hợp giá trị đất gia đình bà Nhung đã bỏ tiền nhận chuyển nhượng lại từ trên 20 năm và nay đã trở thành đất ở đô thị có nền kinh tế phát triển.

Bà Nhung cho hay với mức giá đất đền bù nêu trên so với giá trị thị trường, giá trị theo định giá của ngân hàng thấy sự chênh lệch quá lớn và có thể gây cho gia đình bài bị phá sản vì không có khả năng trả nợ khi cả diện tích đất lớn bị thu hồi mà tiền đền bù quá rẻ mạt. Được biết, tinh cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án trên.

Bà Nhung cũng cho biết, trong quá trình thu hồi đất, các cơ quan chức năng đã huy động nhiều lực lượng khác nhau, đặc biệt là rất nhiều cán bộ, chiến sỹ công an như cảnh sát hình sự, cảnh sát 113,… có cả lực lượng mặc trang phục cảnh sát và nhiều người khác là công an nhưng chỉ mặc thường phục với tổng số lên đến 400 người.

Cần trả lại quyền lợi chính đáng cho dân

Theo Luật sư Nguyễn Đức Phương (Văn phòng Luật sư Đức Phương), trong vụ việc này, đã có nhiều thiếu sót, vi phạm pháp luật xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất. Trước hết, việc không công khai về giá đất, không lấy ý kiến của người bị thu hồi đất để lập phương án bồi thường là không đầy đủ, không khách quan dẫn đến việc thực hiện khó khăn, nảy sinh nhiều mâu thuẫn, hậu quả là người bị thu hồi đất bị thiệt hại về kinh tế. Quyết định thu hồi đất chỉ nêu thu hồi 2362,7m 2 đất trồng lúa là không có cơ sở thực hiện, không phù hợp thực trạng dẫn đến sai lầm trong việc đền bù đất.

Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình bà Nhung có ghi: “…mục đích sử dụng 300m 2 đất ở đô thị và 3.921 m 2 đất trồng lúa” không phân chia ranh giới cụ thể giữa các loại đất. Vì vậy khi thu hồi phần diện tích đất tiếp giáp ngay với Quốc lộ 91 mà gia đình ông Vinh, bà Nhung đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để san lấp, cải tạo sử dụng mà xác định phần đất thu hồi là đất lúa để bồi thường là không phù hợp, sai quy định.

Gia đình ông Vinh, bà Nhung có các con là Trương Huỳnh Nhiên, Trương Hải Đăng, Trương Hải Phong và Trương Ngọc Nhiên. Các con của ông bà đầu có nhu cầu về đất ở và có điều kiện để cấp đất ở khi được chia đất ở trong phạm vi thửa đất này. Chính vì vậy mà ông bà đã cho con gái là Trương Huỳnh Nhiên đứng tên thế chấp, vay vốn một khoản tiền ngân hàng. Việc không xác định đất bị thu hồi là đất ở và không bồi thường theo giá đất ở là vi phạm quy định của pháp luật tại Điều 75 quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất…, Điều 79 quy định về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Theo Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, loại đất được xác định để bồi thường đối với thửa đất của hộ gia đình bà Nhung phải là đất ở đô thị mới đảm bảo được quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Từ những căn cứ nêu trên và các quy định của pháp luật, đề nghị UBND tỉnh Cần Thơ cần vào cuộc, xem xét giải quyết quyền lợi cho hộ gia đình Nhung đúng quy định của pháp luật, tránh đẩy người dân vào cảnh khốn cùng.

T.Nhi/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/thot-not-can-tho-cuong-che-gpmb-anh-huong-nghiem-trong-den-dan-p42817.html