Thông tư số 06 của Ngân hàng Nhà nước: Nhiều quy định mới có lợi cho khách hàng

Từ ngày 1-9, Thông tư số 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng có hiệu lực. Thông tư số 06 không chỉ góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn thị trường, mà còn đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay

Một trong những quy định mới của Thông tư số 06 được nhiều người quan tâm là TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích phục vụ nhu cầu đời sống khi đáp ứng một số điều kiện, thay vì chỉ áp dụng với khoản vay phục vụ mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh như trước. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác. Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, Thông tư số 06 bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay, gồm: Các khoản vay để gửi tiền; để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (nơi tổ chức giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết); để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay; để bù đắp tài chính... Những nhu cầu vốn vay này, NHNN đã có cảnh báo cho các TCTD trong thời gian qua.

Với Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ thúc đẩy các tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa. Trong ảnh: Khách hàng trải nghiệm máy giao dịch tự động thế hệ mới STM.

Thông tư số 06 cũng bổ sung quy định về phương án sử dụng vốn. Khách hàng cần phải có thêm thông tin về phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở, thay vì chỉ áp dụng đối với các khoản cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh. Quy định này nhằm đảm bảo cho TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng, thường là các khoản vay có giá trị lớn, qua đó phục vụ việc giám sát sử dụng vốn vay của khách hàng đúng mục đích. Các nhu cầu vay vốn khác để phục vụ mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của người dân như: Vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng, thanh toán tiền học, điện, nước... không cần phải cung cấp thông tin về phương án, dự án cụ thể.

Bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử

Thông tư số 06 cũng bổ sung một khoản mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử nhằm tạo thuận lợi cho TCTD có đầy đủ khuôn khổ pháp lý để triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử. Từ đó, thúc đẩy các TCTD chủ động ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động cho vay, góp phần đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xử lý khoản vay; khách hàng thậm chí không phải đến trực tiếp ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn đối với các khoản vay có giá trị nhỏ. Các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD nhằm đảm bảo các yêu cầu về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trên môi trường điện tử khi TCTD quyết định việc áp dụng phương tiện điện tử trong quy trình cho vay.

Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, đã thiết lập mối quan hệ tại TCTD và hoàn thành việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), TCTD được quyết định cho vay với dư nợ cho vay không vượt quá 100 triệu đồng.

Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, Thông tư số 06 có hiệu lực sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật liên quan; bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với định hướng, chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ngành Ngân hàng. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn thị trường. Bên cạnh đó, thông tư góp phần đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/202308/thong-tu-so-06-cua-ngan-hang-nha-nuocnhieu-quy-dinh-moi-co-loi-cho-khach-hang-e7a1c64/