Thông tư 06 sẽ ảnh hưởng tới đối tượng nào?

Chỉ một tháng nữa là Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Liệu đây có phải là 'cú đấm bồi' hay ngược lại - mang ý nghĩa tích cực đối với thị trường bất động sản (BĐS)? Ai sẽ là đối tượng hưởng lợi nhất từ Thông tư 06 là vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay.

Mới đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 06 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023. Lý do là bởi HoREA cho rằng, Thông tư 06 dựng lên nhiều "rào chắn" trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư 06 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của TCTD) đối với khách hàng có 4 quy định mới: các TCTD không được cho vay để gửi tiền nhằm kiểm soát rủi ro khoản vay và cho vay đúng mục đích; Không được cho vay để thanh toán mua cổ phần; Không được cho vay theo hợp đồng không đủ điều kiện; Không được cho vay bù đắp tài chính.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) cho rằng, trong bối cảnh ngành BĐS đang khó khăn, Chính phủ đang muốn phát triển ổn định thị trường mà áp dụng quy định này là đang siết lại tất cả các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, Thông tư 06 hướng dòng tiền chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh thiết thực, tạo giá trị gia tăng và hạn chế dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro là cần thiết.

Hiện nay, pháp lý các dự án đã tắc, đến khâu cho vay, ngân hàng lại dùng pháp lý để ép một lần nữa khiến doanh nghiệp bị siết đến 2 lần. Một dự án khi đến bước được triển khai xây dựng phải qua nhiều gian khổ pháp lý, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng, tiền đất.

Đối với BĐS, tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng chiếm đến 60-70% tổng mức đầu tư dự án, nên cần được cho vay ngay từ bước dự án bắt đầu được triển khai. Đặc biệt, có những dự án vốn đầu tư lên đến cả nghìn, chục nghìn tỷ thì càng cần vốn tín dụng ngay từ ban đầu.

“Nếu tín dụng bị siết như thế này thì BĐS còn trông chờ gì ở tín dụng nữa, BĐS phát triển làm sao được nữa? Quy định này cần phải xem xét lại”, ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, trao đổi với VnBusiness, các chuyên gia có quan điểm ngược lại với các doanh nghiệp BĐS khi cho rằng Thông tư 06 mở hơn so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, Thông tư 06 bổ sung 4 quy định không được cho vay, hạn chế cho vay là rất trúng, bởi vì lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều ý kiến đã nói đến "bong bóng" BĐS. Do đó, ngân hàng quy định chỉ những dự án nào mở bán công minh rõ ràng thì ngân hàng đầu tư, hạn chế cho vay dự án không có tiềm năng. “Quy định này ở một khía cạnh nhất định là hạn chế rủi ro, tiềm ẩn cho ngân hàng và bảo vệ cho người mua không chỉ trước mắt mà về lâu dài”, bà Mùi nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam cho rằng: Thị trường BĐS đang chiếm tỷ trọng vốn trong toàn hệ thống tín dụng quá lớn nên việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06 để hướng dòng tiền chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh thiết thực, tạo giá trị gia tăng và hạn chế dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro là cần thiết.

Bởi hiện nay, tài sản bảo đảm của nhiều ngân hàng lên đến 80% là BĐS, trong bối cảnh giá BĐS cao gấp 3 lần giá trị thực thì đó là rủi ro lớn cho người vay và ngân hàng.

"Tuy nhiên, về mặt tiêu cực thì ngay và luôn sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS bởi những công ty BĐS đang chờ đợi vào sự phục hồi của thị trường BĐS như vật liệu xây dựng, sắt, thép… sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do tốc độ tăng trưởng của thị trường BĐS giảm", ông Hùng nói.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng không phải lo việc khó tiếp cận tín dụng, bởi một số quy định tại Thông tư 06 mở hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng: Thông tư 39 ra đời trong bối cảnh cho vay điện tử chưa thịnh hành. Vì vậy, Thông tư 06 ra đời không những khắc phục những vấn đề chưa được bàn đến ở Thông tư cũ mà còn xem xét những vấn đề hiện hành cần phải chỉnh sửa gì.

Với việc bổ sung thêm cho vay điện tử, các khoản cho vay sẽ được xét duyệt online, theo bà Mùi, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp BĐS tiếp cận hình thức vay này. Đây cũng là cách thức mở rộng cho vay đối với nền kinh tế.

Đồng tình, ông Hùng chia sẻ: "Về cho vay online, trong những năm gần đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp cận nhận hồ sơ online, là có tác động tích cực để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, bản chất là chúng ta có gói tín dụng như vậy hay không chứ không phải là phương thức tiếp cận".

Đối với nhóm DNNVV, Thông tư 06 có hỗ trợ cho các doanh nghiệp này không, hay chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp lớn? Ông Hùng cho rằng, ở góc độ với DNNVV, bản chất không cần chờ đợi các Thông tư hay Nghị định thì NHNN đã chủ động điều tiết chính sách tiền tệ để bình ổn kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc thêm Thông tư nữa đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa có tác động ngay trong giai đoạn này.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam thẳng thắn thừa nhận, bản chất DNNVV có “sống” được hay không phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn, nên các DNNVV chưa quyết định được “cuộc chơi”, vẫn phải phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng. Vì vậy, Thông tư 06 sẽ có tác động trực tiếp cho các doanh nghiệp chuỗi cung ứng và gián tiếp tác động đến cộng đồng DNNVV, độ trễ sẽ có.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/thong-tu-06-se-anh-huong-toi-doi-tuong-nao-1094163.html