Thống nhất cách làm, cách hiểu để đảm bảo hiệu quả chuyển giao công trình điện là tài sản công

Sáng 22/3, Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai Nghị định số 02/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN. Hội nghị được kết nối trên 700 điểm cầu trực tuyến.

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, việc điều chuyển công trình điện được đầu tư từ vốn nhà nước sang EVN quản lý đã được triển khai thực hiện từ năm 2017 theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang EVN quản lý.

Thứ trưởng nêu rõ, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, song kết quả bàn giao, tiếp nhận còn thấp. Theo tổng hợp của EVN, sau 04 năm triển khai, số lượng công trình EVN đã đồng ý tiếp nhận là 2.825 công trình (chiếm khoảng gần 20% số công trình các chủ tài sản đang quản lý dự kiến bàn giao sang EVN quản lý); số lượng công trình điện Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định điều chuyển là 302 công trình (chiếm khoảng 10,7% tổng số công trình EVN đã đồng ý tiếp nhận).

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cũng cho biết, việc chậm bàn giao, tiếp nhận công trình điện có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quy trình điều chuyển tại Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg còn phức tạp, qua nhiều bước trung gian, phạm vi công trình điện chuyển giao chưa bao quát được các trường hợp phát sinh trong thực tiễn.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, rườm rà trong các thủ tục chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN, Chính phủ đã “nâng tầm” quyết định lên thành Nghị định, điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước đối với công tác này. Ngày 10/01/2024, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2024.

“Hội nghị hôm nay, Bộ Tài chính sẽ phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định này, đặc biệt là những điểm mới của Nghị định so với Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg để đảm bảo hiểu đúng, hiểu thống nhất, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Nghị định số 02/2024/NĐ-CP”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng yêu cầu việc phổ biến nội dung Nghị định số 02/2024/NĐ-CP phải được trình bày cụ thể về phạm vi, nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển giao công trình điện, giải đáp các thắc mắc của các đại biểu để thống nhất cách hiểu, cách làm. Đồng thời, đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung lắng nghe để nắm được tinh thần của Nghị định, triển khai thực hiện bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh phổ biến các nội dung cần lưu ý tại Nghị định số 02/2024/NĐ-CP.

Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh phải xác định và công bố cụ thể cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác; EVN phải ban hành văn bản công bố đơn vị điện lực được giao, ủy quyền làm Bên nhận và thông báo, hướng dẫn đơn vị điện lực thống nhất áp dụng thời gian trích khấu hao tài sản là công trình điện thuộc đối tượng chuyển giao.

Phổ biến, quán triệt nội dung Nghị định số 02/2024/NĐ-CP, ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định số 02/2024/NĐ-CP đã phân cấp rất mạnh cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đang trực tiếp quản lý các công trình điện. “Do đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý công trình điện, các bộ, ngành, địa phương tự quyết định việc chuyển giao công trình điện sang EVN để bảo đảm việc bàn giao công trình điện sang EVN được nhanh chóng, kịp thời”, ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Nghị định này, phạm vi công trình điện được chuyển giao sang EVN được bổ sung thêm 05 loại so với Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg để bao quát các trường hợp phát sinh trong thực tế. Đồng thời, quy định rõ các công trình điện không áp dụng chuyển giao theo Nghị định này để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.

Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh thông tin thêm, đối với công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách và công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang EVN nhưng trình tự, thủ tục thực hiện cũng đã được quy định theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho việc thực hiện.

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, một trong những điểm mới khác của Nghị định số 02/2024/NĐ-CP là đã quy định cụ thể việc xác định giá trị công trình điện chuyển giao theo hướng đơn giản, sử dụng tối đa thông tin sẵn có để xác định giá trị; quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, EVN trong việc triển khai một số nội dung để thi hành Nghị định này.

Quang cảnh Hội nghị.

Bên lề Hội nghị, trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, nhiều năm qua, với nhu cầu phát triển của hệ thống điện Việt Nam và nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp, lưới điện đã được đầu tư bằng rất nhiều nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đến ngoài ngân sách nhà nước. Theo đó, có rất nhiều chủ đầu tư có nhu cầu chuyển giao tài sản là công trình điện sang EVN để tiếp tục vận hành triển khai, cung cấp điện đến cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Võ Quang Lâm, trong quá trình ban giao có nhiều khó khăn vướng mắc, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tháo gỡ, đã rất tích cực, khẩn trương và trách nhiệm cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, EVN, cơ quan liên quan xây dựng, trình thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định này.

Ông Võ Quang Lâm đánh giá cao sự làm việc trách nhiệm của Bộ Tài chính thời gian qua để Nghị định số 02/2024/NĐ-CP được ban hành. Hơn hết, việc Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến đến 764 điểm cầu trong cả nước, để các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như EVN và các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh điện có cơ hội được nghe truyền đạt trực tiếp. Nhờ đó, các đơn vị sẽ hiểu đúng, đủ, thống nhất về nội dung, trình tự thủ tục để triển một cách nhanh nhất, đưa Nghị định vào cuộc sống.

"Tôi tin rằng, với sự quyết tâm, có trách nhiệm của Bộ Tài chính, công tác chuyển giao các công trình điện sang EVN sẽ được thực hiện tốt hơn thời gian tới đáp ứng nhu cầu phát sử dụng ngày càng cao của người dân doanh nghiệp", Phó Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh.

Hân Nguyễn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thong-nhat-cach-lam-cach-hieu-de-dam-bao-hieu-qua-chuyen-giao-cong-trinh-dien-la-tai-san-cong.html