Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon từ chức sau 30 năm tại vị

Ông Riad Salameh, 73 tuổi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon hôm 31-7 đã từ chức sau 30 năm tại vị, trong bối cảnh một số quốc gia châu Âu điều tra về các cáo buộc phạm tội tài chính đối với ông.

Ông Riad Salameh (thứ hai từ phải sang) trong lễ chia tay hôm 31-7 sau khi từ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon

Bị nhiều người coi là “thủ phạm” cho sự suy thoái tài chính của Lebanon

Ông Salameh bắt đầu nhiệm kỳ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon vào năm 1993. Đó là thời điểm cuộc nội chiến ở Lebanon kéo dài 15 năm kết thúc được 3 năm, các khoản vay và viện trợ nhằm tái thiết đổ về. Nhưng giờ đây, quan chức này rời nhiệm sở ở tình thế bị châu Âu điều tra, bị nhiều người ở Lebanon coi là “thủ phạm” cho sự suy thoái tài chính của Lebanon kể từ cuối năm 2019.

Đó là một thất bại nặng nề đối với một vị Thống đốc có nhiều thành tích đáng ghi nhận trong quá trình phục hồi kinh tế. Nhưng nhìn lại quá trình gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng ông Salameh xây dựng “mô hình nhà giấy” khi nguồn tài chính của Lebanon cạn kiệt vì tham nhũng và quản lý yếu kém.

Hệ thống ngân hàng bị tê liệt và khu vực công cũng rơi vào khủng hoảng, điểm yếu lộ ra là Lebanon trong nhiều năm đã vận hành nền kinh tế dựa trên tiền mặt; chủ yếu dựa vào du lịch và kiều hối từ hàng triệu người đang sống ở nước ngoài. Hậu quả, dự trữ ngoại hối của Lebanon đã giảm xuống dưới 10 tỷ USD, đồng tiền này đã mất giá gần 100% so với đồng USD và hệ thống tài chính của Lebanon ước tính thiệt hại lên tới 70 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng đã xóa sạch tiền tiết kiệm của nhiều người Lebanon.

Năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã đổ lỗi cho giới tinh hoa chính trị của Lebanon về kế hoạch “Tài chính Ponzi” (mô hình huy động tiền từ người này để trả lợi nhuận cho người khác), và rằng cuộc suy thoái là “có chủ ý trong việc tạo ra trong 30 năm qua”. Trong khi đó, Pháp, Đức và Luxembourg đang điều tra Thống đốc Salameh và các cộng sự về nhiều tội danh, bao gồm làm giàu bất hợp pháp và rửa tiền trị giá 330 triệu USD. Paris và Berlin đã gửi thông báo truy nã của Interpol cho Lebanon vào tháng 5, nhưng Lebanon không bàn giao công dân của mình cho nước ngoài.

Thống đốc Salameh đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc và khẳng định rằng khối tài sản mà ông có được là do tích lũy từ khi làm nhân viên ngân hàng đầu tư tại Merrill Lynch, tài sản được thừa kế và các khoản đầu tư. Ông đã chỉ trích cuộc điều tra và nói rằng đó là một phần của chiến dịch truyền thông và chính trị nhằm bôi nhọ nhằm vào ông. Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với tư cách là Thống đốc, ông Salameh nói trên truyền hình Lebanon rằng trách nhiệm cải cách thuộc về chính phủ. “Mọi thứ tôi đã làm trong 30 năm qua là cố gắng phục vụ đất nước và người dân Lebanon. Đa số biết ơn vì điều đó dù họ không muốn nói ra”, ông lý giải.

Các quan chức chia rẽ

Các quan chức Lebanon trong những tháng gần đây đã chia rẽ về việc liệu Thống đốc Salameh nên ở lại hay từ chức ngay lập tức trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ. Bộ trưởng Kinh tế tạm quyền Amin Salam muốn Thống đốc Ngân hàng Trung ương từ chức ngay lập tức, vì đây là nhân vật vướng vào “nghi vấn pháp lý”. Ông Salam nói với hãng tin AP: “Tôi không thể giải thích được tại sao phải giữ một quan chức như vậy, trừ khi có điều gì đó sai trái hoặc bị che giấu”.

Sự ra đi của Thống đốc Salameh tạo thêm một lỗ hổng khác cho Lebanon vốn đang bị khủng hoảng kinh tế tàn phá. Quốc gia Địa Trung Hải nhỏ bé đã không có Tổng thống trong 9 tháng, và chính phủ gồm 12 bộ trưởng hoạt động cầm chừng được 1 năm. Lebanon cũng đã khuyết vị trí người đứng đầu Tổng cục An ninh kể từ tháng 3-2023.

Sau tuyên bố ra đi của Thống đốc kỳ cựu, 4 vị phó thống đốc, đứng đầu là Thống đốc lâm thời sắp tới Wassim Mansouri, đã thúc giục cải cách. “Chúng ta đang ở ngã tư đường. Không có lựa chọn nào khác, nếu chúng ta tiếp tục chính sách trước đây, các quỹ trong Ngân hàng Trung ương sẽ cạn kiệt”, ông Mansouri nói.

Theo ông Mansouri, các chính sách trước đây cho phép ngân hàng trung ương chi một khoản tiền lớn để hỗ trợ Nhà nước Lebanon không còn khả thi. Trong nhiều năm, ngân hàng này đã chi hàng tỷ USD để trợ cấp nhiên liệu, thuốc men, lúa mì và nhiều thứ khác để giữ cho đồng bảng Lebanon ổn định. Ông đề xuất một kế hoạch cải cách kéo 6 tháng như kiểm soát vốn, luật tái cấu trúc ngân hàng và ngân sách nhà nước năm 2023. “Đất nước không thể tiếp tục nếu không thông qua những cải cách này. Không còn thời gian nữa, chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt mà không thể trả được nữa”.

Theo AP/CNBC

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thong-doc-ngan-hang-trung-uong-lebanon-tu-chuc-sau-30-nam-tai-vi-post547604.antd