Thống đốc Lê Minh Hưng: Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà băng những tháng cuối năm

Trường hợp tổ chức tín dụng nào vẫn để những hành vi vi phạm đã được cảnh báo tiếp tục tái diễn trong hệ thống sẽ được xem như cố ý vi phạm, không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc NHNN và sẽ bị xem xét, xử lý theo đúng quy định...

Thống đốc Lê Minh Hưng.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, việc triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu sẽ tập trung vào mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng mức vốn tự có hướng tới chuẩn mực của Basel II; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống;

Đồng thời, từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; Đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Để cụ thể hóa các giải pháp, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ ban hành Kế hoạch hành động của ngành, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Đề án. Trong đó có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể tới các đơn vị trong ngành ngân hàng để đảm bảo việc triển khai và thực hiện Đề án theo đúng mục tiêu đặt ra.

Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Ngành, Thống đốc đề nghị các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung tối thiểu bao gồm đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD.

Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020;

Đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng thời với việc xây dựng Phương án, mỗi TCTD cần thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, quyết định.

Ngày 8/5/2017, NHNN đã có các văn bản số 386a/NHNN-TTGSNH, 386b/NHNN-TTGSNH và 3241/NHNN-TTGSNH cảnh báo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về những rủi ro, hạn chế, vi phạm, sai phạm phổ biến của các TCTD để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn.

Thống đốc yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) quán triệt các chỉ đạo của NHNN tại các văn bản này tới cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống của mình, đồng thời khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy trình nội bộ, đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, không tạo sơ hở để lợi dụng, sai phạm.

“Trong các tháng cuối năm 2017 và các năm tiếp theo, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TCTD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, sai phạm. Trường hợp TCTD nào vẫn để những hành vi vi phạm đã được cảnh báo tiếp tục tái diễn trong hệ thống sẽ được xem như cố ý vi phạm, không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc NHNN và sẽ bị xem xét, xử lý theo đúng quy định”, người đứng đầu NHNN khẳng định.

Thống đốc cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chỉ đạo xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn; có trách nhiệm phê duyệt, theo dõi, giám sát việc thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; theo dõi việc xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn để kịp thời báo cáo, phản ánh về NHNN những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để được xem xét, xử lý.

Trần Thúy

Theo BizLive

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/kinh-doanh/tai-chinh/9083/thong-doc-le-minh-hung-se-tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-cac-nha-bang-nhung-thang-cuoi-nam.ndt