Thống đốc kêu gọi NH nhỏ ngồi lại bàn chuyện sáp nhập

(TBKTSG Online) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói: “Hơn lúc nào hết các ngân hàng nhỏ vì lợi ích chung và riêng phải ngồi lại với nhau bàn cách sáp nhập".

Hồng Phúc

Thống đốc Nguyễn Văn Bình ngày 27-12 khẳng định trước các tổ chức tín dụng tại TPHCM rằng Thông tư 02 sẽ được áp dụng như lộ trình song sẽ có chỉnh sửa. Ảnh: HP

(TBKTSG Online) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói: “Hơn lúc nào hết các ngân hàng nhỏ vì lợi ích chung và riêng phải ngồi lại với nhau bàn cách sáp nhập".

Người đứng đầu ngành ngân hàng đã nói trước đại diện các ngân hàng tại TPHCM như vậy ngày 27-12 khi ông tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014.

"Những ngân hàng nhỏ rất khó hoạt động thời gian tới. Ngân hàng phải có quy mô đủ lớn mới có thể cạnh tranh trong tình hình này”, ông Bình nói.

Đề cập đến sức khỏe ngành ngân hàng, Thống đốc Bình cho rằng tình hình đã được cải thiện đáng kể so với thời điểm này năm trước. Hệ số sử dụng vốn trên nguồn cuối năm 2011 là 126%, nay tỷ lệ này còn 91-92% và riêng địa bàn TPHCM là 82%. Thanh khoản đã dễ chịu và nhờ đó giữ được lãi suất ổn định.

Trên con đường tái cơ cấu tổ chức tín dụng, ông Bình cho rằng “Tất cả những mắt xích yếu nhất ta đã xử lý được, có tin đồn gì về ngành ngân hàng tôi cho rằng nó không còn gây chao đảo như trước”. Song ông cũng nhắc lại, đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng kéo dài đến năm 2020 nhưng công tác thực hiện mới chỉ bắt đầu.

Ông Bình cho rằng: “Trạm trung chuyển” là năm 2015. Các ngân hàng đã nộp đề án tái cấu trúc của mình và tập trung vào việc lành mạnh hóa bản thân tổ chức đó.

NHNN cũng đã có đề án chi tiết về cách xử lý sở hữu chéo và sẽ triển khai ở những chỗ xung yếu nhất với tinh thần “quá trình xử lý sẽ hết sức quyết liệt và êm ái”.

Ông nói rằng sở hữu chéo không xấu hoàn toàn vì bản thân sự hoạt động khách quan của ngân hàng đã hình thành sở hữu chéo. “Nên chúng ta không nên hốt hoảng, lo ngại quá. Sở hữu chéo chỉ không tốt và cần xử lý khi nó tạo ra đòn bẩy tài chính, tạo ra những mô hình tiền không có nhưng có quyền lợi thật và tạo ra tiền ảo, gây lũng đoạn ngân hàng tạo ra sở hữu cá nhân”.

Từ những vấn đề của thị trường ngân hàng, Thống đốc Bình cho rằng cái yếu của ngân hàng đang là khả năng quản trị nội bộ. Các ngân hàng cần tự củng cố nội bộ, hợp nhất để đến 2015 ta mới có thể ổn định một bước và năm 2020 ta mới biết mình là ai trong khu vực.

Ông Bình cho rằng 2014 vẫn khó khăn với ngành ngân hàng nên kêu gọi các nhà băng cần trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu cương quyết hơn cũng như đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu mà việc bán nợ cho VAMC là một động tác cần thiết.

“Các đồng chí có trích lập thì tiền vẫn là tiền ông chủ, cơm không ăn gạo còn đó, đề nghị các đồng chí hết sức quan tâm nợ xấu mà trích lập”, Thống đốc nói.

Thông tư 02 vẫn áp dụng theo lộ trình

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định trước các tổ chức tín dụng tại TPHCM rằng Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro sẽ được áp dụng đúng theo lộ trình song sẽ có chỉnh sửa.

Tại một nghị hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 gần đây, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã kiến nghị NHNN lùi thời gian thực hiện Thông tư số 02 với lý do việc áp dụng thông tư này vào thời điểm 1-6-2014 là chưa phù hợp vì sẽ gây khó cho doanh nghiệp, cho ngành ngân hàng trong trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, sức khỏe của các doanh nghiệp và ngành ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Có ý kiến đề nghị đề nghị NHNN xem xét tiếp tục tạm hoãn thời gian thực hiện thông tư này đến năm 2015 hoặc 2016.

Đầu năm 2013, NHNN ban hành Thông tư 02 để thực hiện từ ngày 1-6-2013. Nhưng đến tháng 5-2013, cơ quan này đã sửa đổi một số điều của Thông tư 02 để áp dụng từ ngày 1-6-2014, lùi 1 năm so với lộ trình ban đầu.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/taichinh/nganhang/107910/