Thông điệp nhân văn từ tác phẩm 'Oppenheimer'

Bom nguyên tử ảnh hưởng lớn đến lịch sử nhân loại và cha đẻ của loại vũ khí này được xem như một thiên tài nhưng cũng là một kẻ tội đồ. Dưới bàn tay tài ba của đạo diễn Christopher Nolan, cuộc đời của nhà vật lý J. Robert Oppenheimer được tái hiện qua bộ phim 'Oppenheimer' đã trở thành hiện tượng phòng vé trong mấy tuần qua khi đạo diễn gửi gắm thông điệp cảnh báo về mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ và con người trở thành nguy cơ của sự diệt vong.

Diễn viên Tom Conti (trái) trong vai Albert Einstein và Cillian Murphy trong vai Oppenheimer trong phim “Oppenheimer”. Ảnh: Internet

Theo số liệu do hãng Exhibitor Relations công bố, sau 4 tuần công chiếu liên tiếp, bộ phim đã thu về 264,3 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ và hơn 649 triệu USD trên toàn cầu, trở thành bộ phim về Chiến tranh Thế giới thứ hai có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé.

Nổi tiếng là nhà làm phim luôn ưu tiên thể hiện những khung hình chân thực nhất, tác phẩm “Oppenheimer” đã được đạo diễn Christopher Nolan tái hiện vụ nổ bom nguyên tử từ những dữ kiện lịch sử nhưng theo cách chân thật nhất thông qua cuộc đời của nhà vật lý J. Robert Oppenheimer (do Cillian Murphy thủ vai). Christopher Nolan đã đầu tư rất lớn khi toàn bộ các thước phim “Oppenheimer” đều được quay bằng máy quay Imax cho chất lượng hình ảnh, âm thanh sống động, làm thỏa mãn người xem.

Thay vì sử dụng đồ họa máy tính để mô tả vụ nổ hạt nhân trong “The Dark Knight Rises” (2012), thì lần này ông nhờ sự hỗ trợ của Giám sát hiệu ứng hình ảnh Andrew Jackson - người từng giành giải Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc Oscar 2021. Bởi Christopher Nolan cho rằng, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) không thể phản ánh đầy đủ mối đe dọa về cuộc thử nghiệm và tác động của bom nguyên tử. Nhờ đó, khán giả được mãn nhãn khi chứng kiến cuộc đời nhiều giằng xé của “cha đẻ bom nguyên tử” trong khoảng thời gian kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Dựa trên cuốn American Prometheus (Thần Prometheus bản Mỹ) của hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin, đạo diễn Christopher Nolan kể lại câu chuyện của J. Robert Oppenheimer trên màn bạc. Thông qua câu chuyện về sự ra đời của bom nguyên tử, ông muốn đề cập đến nhiều vấn đề về lịch sử, chính trị và đặc biệt là đạo đức. Vào ngày 6-8-1945, quả bom nguyên tử Little Boy được Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. Vài ngày sau, quả thứ hai tên Fat Man nhắm vào Nagasaki về cơ bản đã chấm dứt Thế chiến II, buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện.

Thế nhưng, các cuộc tấn công này cũng bắt đầu một kỷ nguyên mới đáng sợ không kém - “Thời đại nguyên tử” cùng những cuộc chạy đua vũ trang hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhà khoa học J. Robert Oppenheimer - góp vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu thành công bom nguyên tử - là người bị đa phần công chúng đổ lỗi cho thảm kịch đó. Biệt danh “cha đẻ bom nguyên tử” trở thành danh hiệu và cũng là hình phạt gắn liền với ông đến tận bây giờ.

Bi kịch của J. Robert Oppenheimer là ông đã cống hiến cuộc đời mình cho khoa học. Kết quả, công trình của ông và đồng nghiệp được nhớ đến như một tội ác không thể gột rửa hay xoa dịu bởi những tấm huy chương cao quý, những bữa yến tiệc xa hoa. Hình phạt của Oppenheimer phải chịu cũng giống như Prometheus, khi hằng ngày bị hành hạ như có con đại bàng đang rỉa gan mình. Bằng phép liên hệ giữa hai nhân vật, đạo diễn Christopher Nolan đã thành công khi đem đến cho người xem một lời cảnh báo về mặt trái của việc phát triển khoa học công nghệ. Khi càng sở hữu nhiều sức mạnh trong tay, con người càng trở thành mối nguy cơ cho sự diệt vong của nhân loại cũng như hành tinh này.

ĐOÀN GIA HUY

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202308/thong-diep-nhan-van-tu-tac-pham-oppenheimer-3954410/