Thông điệp lãi suất mới của Fed gây bối rối thị trường

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, đã mang đến những gì mà các thị trường mong đợi: một quyết định hạ lãi suất và cam kết hạ thêm nếu cần thiết.

Song thông điệp mập mờ về khả năng hạ thêm lãi suất vào những tháng cuối năm nay đang gây bối rối cho các thị trường chứng khoán.

 Hôm 31-7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo hạ lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%. Ảnh: EFE/EPA

Hôm 31-7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo hạ lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%. Ảnh: EFE/EPA

Hôm 31-7, sau hai ngày họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo hạ lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%, tức giảm 0,25 điểm phần trăm so với lãi suất tham chiếu. Đây là lần giảm lãi suất lần đầu tiên của Fed kể từ tháng 12-2008.

FOMC giải thích rằng quyết định hạ lãi suất là do các diễn biến xấu về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như áp lực lạm phát chững lại.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, nói rằng quyết định hạ lãi suất là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ”, chứ không phải đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất để bắt đầu chu kỳ nới lỏng định lượng. Rốt cục, Fed vẫn kỳ vọng sẽ giảm lãi suất tiếp nhưng có thể sẽ không giảm mạnh như những gì thị trường mong đợi.

Trong những tuần qua, giới đầu tư chứng khoán kỳ vọng Fed sẽ tiến hành ít nhất hai đợt giảm lãi suất nữa vào những tháng cuối năm nay.

Thất vọng trước các phát biểu của ông Powell, thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo vào cuối phiên, trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch hôm 31-7, chỉ số Dow Jones giảm 333 điểm, chỉ còn 26.864,27 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm trải qua một ngày biến động mạnh, giảm về mức 1,79% trước thông báo của Fed, rồi sau đó tăng đảo ngược lên đến mức 1,96% khi Chủ tịch Fed Jerome Powell không đưa ra thông điệp hạ lãi suất mạnh mẽ vào cuối năm nay.

Mark Cabana, Giám đốc chiến lược tỷ giá ngắn hạn ở Ngân hàng Bank of America, Merrill Lynch, nói: “Đó là một thông điệp rất bối rối và khó hiểu. Tôi không nghĩ rằng ông Powell đã đưa ra một hướng đi rõ ràng cho lộ trình nới lỏng định lượng thêm trong ngắn hạn của Fed. Đó là lý do tại sao thị trường phản ứng tiêu cực”.

Mark Cabana cho biết các thị trường tương lai đã được định giá dựa trên giả định Fed sẽ hạ lại suất khoảng 0,7 điểm phần trăm trong năm nay tính cả mức giảm 0,25 điểm phần trăm trong ngày 31-7. Giờ đây, thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 0,37 điểm phần trăm trong những tháng còn lại của năm 2019.

Không chỉ các thị trường thất vọng với Fed mà Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều lần kêu gọi Fed cắt giảm mạnh lãi suất, cũng lên Twitter than vãn: “Powell đã làm chúng ra thất vọng”.

 Những lần điều chỉnh lãi suất gần đây của Fed. Đồ thị: TTXVN

Những lần điều chỉnh lãi suất gần đây của Fed. Đồ thị: TTXVN

Theo dữ liệu lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ thường bước vào một đợt tăng giá trung hạn khi Fed đảo ngược chu kỳ thắt chặt định lượng. Lãi suất đồng đô la suy giảm thường sẽ chắp cánh cho thị trường cổ phiếu theo hai cách. Thứ nhất, khi lãi suất giảm thì lợi tức của các khoản đầu tư trái phiếu cũng suy giảm, khiến kênh đầu tư cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.

Thứ hai, lãi suất giảm đồng nghĩa với việc chi phí vay nợ của người tiêu dùng và các công ty sẽ rẻ hơn, điều này có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có ít nhất hai lần thị trường chứng khoán rơi vào suy thoái sau khi Fed hạ lãi suất. Lần vào tháng 9-2007, khi Fed thông báo hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm từ 5,25% xuống 4,75%. Chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh ba tuần sau đó trước khi rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Trong trường hợp này, cắt giảm lãi suất là thời điểm hoàn hảo để thoát ra khỏi thị trường chứng khoán, chứ không phải tham gia nó.

Tình huống tương tự cũng xảy ra khi Fed giảm lãi suất lần đầu tiên vào đầu năm 2001 kể từ năm 1998. Lúc đó, bong bóng Dotcom (cổ phiếu công ty Internet và công nghệ) vừa bắt đầu phát nổ và thêm 10 lần hạ lãi suất trong năm đó của Fed cũng không thể giúp “cầm máu” thị trường. Chỉ số S&P 500 giảm 13% trong năm, trước khi giảm thêm 23% vào năm 2002.

Quyết định hạ lãi suất của Fed và thông điệp sau đó của ông Powell, dù khiến giới đầu tư chứng khoán Mỹ thất vọng, nhưng có thể kích hoạt hiệu ứng cắt giảm lãi suất dây chuyền ở châu Á. Hồi tháng 5, Malaysia đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong ba năm. New Zealand và Philippines cũng hành động tương tự. Làn sóng giảm lãi suất ở châu Á tiếp tục trong tháng 6 và tháng 7 với sự góp mặt của Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước các lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các nước châu Á đã cân nhắc nới lỏng tiền tệ để củng cố nền kinh tế của họ nhưng vẫn lưỡng lự vì lo ngại đồng nội tệ của họ sẽ yếu đi so với đồng đô la Mỹ. Những nước này cần duy trì lãi suất cao so với lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác đề thu hút giới đầu tư. Quyết định hạ lãi suất của Fed tạo cho họ dư địa chính sách để giảm lãi suất đồng nội tệ của họ.

Hôm 1-8, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã hạ lãi suất cơ bản từ mức 2,75% xuống mức 2,5%. Đây là lần đầu tiên cơ quan này hạ lãi suất trong 10 năm qua. Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc được dự báo sẽ hạ thêm lãi suất sau quyết định của Fed.

Trong báo cáo ngày 1-8 gửi Ủy ban Tài chính Quốc hội Hàn Quốc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), Lee Ju-yeo, cho biết BOK sẽ cân nhắc các biện pháp nới lỏng tiền tệ nếu điều kiện kinh tế của đất nước chuyển biến xấu.

Tại Nam Mỹ, hôm 31-7, Ngân hàng Trung ương Brazil cũng thông báo hạ lãi suất cơ bản từ 6,5% xuống mức thấp kỷ lục 6% để thúc đẩy hồi phục kinh tế.

Theo CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292301/thong-diep-lai-suat-moi-cua-fed-gay-boi-roi-thi-truong.html