Thôn bản thiếu nước sạch: Vấn đề cấp bách

Hiện vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước,

Vùng cao vẫn thiếu nước sạch nghiêm trọng

34% dân số, chủ yếu là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đang phải sử dụng nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Hiện cả nước vẫn còn 34% dân số, chủ yếu là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đang phải sử dụng nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Từ trước tới nay, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thường sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn, uống. Vào ngày thời tiết hanh khô, ít mưa, những con suối trở nên cạn kiệt, ngày ngày người dân phải ra suối để xách nước về sinh hoạt. Không những thiếu nước mà nguồn nước thường bị ô nhiễm do ở nhiều nơi người dân vẫn còn duy trì phong tục, tập quán và thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng đến môi trường sống, đặc biệt là nguồn nước. Tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông, nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm nhà sàn, tình trạng hố xí tạm bợ, thậm chí phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn còn xảy ra. Diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt, cộng với địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn nên việc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều trở ngại.

Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Trong khi đó, tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, cụ thể: vùng miền núi phía Bắc đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước.

Đơn cử như tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cho đến đầu năm 2023, 97% hộ gia đình ở huyện này vẫn đang sử dụng nguồn nước từ khe núi, người dân tự dẫn nước về nhà, không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Hay như tại Quảng Trị, nhiều năm qua, nước sạch sinh hoạt luôn là vấn đề nan giải đối với đồng bào DTTS ở Hướng Hóa, Đa Krông (Quảng Trị). Đặc biệt, vào mùa khô, nhiều xã có tới hơn 50% số hộ DTTS rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Mùa khô đến, đồng bào phải dùng đủ cách để có nước sinh hoạt. Có hộ đào giếng khơi cạnh suối để lấy nước sinh hoạt. Hộ có điều kiện thì mua nước lọc về dùng, hộ khó khăn thì vẫn phải chịu khổ sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên các huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn diễn ra nhiều năm nay. Vùng đất này có đến ¾ diện tích tự nhiên là núi đá tai mèo, rừng ít nên khả năng tích nước trong tự nhiên kém; địa hình có độ cao lớn nên việc khai thác nguồn nước ngầm, từ sông, suối cũng rất khó khăn.

Sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe đồng bào.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã từng được đầu tư các công trình cấp nước sạch, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, nhiều công trình đã xuống cấp không sử dụng được.

Như huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, hiện có 52 công trình nước sạch, nước tự chảy được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, đến nay, có đến hơn 50% công trình bị hư hỏng, hoặc không hoạt động, số còn lại hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cho nhân dân trong thời gian qua.

Người dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sử dụng nước sạch.Ảnh: KC

Nước sạch về thôn, bản: Một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia

Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đặt mục tiêu góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh).

Thời gian qua, được sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, làng vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đơn cử như từ nguồn vốn của chương trình, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc được tiếp cận với nguồn nước đảm bảo, môi trường sống được cải thiện, thay đổi dần tập quán lạc hậu của nông thôn miền núi về sử dụng nước, chăn nuôi và vệ sinh làng, bản. Tại huyện Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 425 hộ; đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho trên 1.000 hộ dân tại các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; Đồng Mã, xã Tân Phong; Thượng Lang, xã Mường Lang và Khe Lành, xã Mường Thải.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022 huyện Mường La đã đầu tư xây dựng cấp nước sinh hoạt tập trung tại bản Lướt, xã Ngọc Chiến với giá trị gần 4 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục chính như: Đập đầu mối, bể lọc kết hợp điều hòa, bể cắt áp, tuyến ống dài 1,9km, 333 trụ vòi đến các hộ dân, trường tiểu học, mầm non và nhà văn hóa.

Có thể nói, đưa nước sạch về thôn, bản là chiến lược quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

A.T

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thon-ban-thieu-nuoc-sach-van-de-cap-bach-post273321.html