Thói quen tưởng như vô hại nhưng ảnh hưởng xấu tới răng miệng của trẻ

Một số thói quen tưởng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng xấu tới sức khỏe răng miệng của trẻ.

Nếu trẻ có các thói quen xấu sau đây, phụ huynh nên nhắc nhở và có biện pháp loại bỏ càng sớm càng tốt, điều này sẽ hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về răng khi trẻ trưởng thành.

Cắn móng tay, vật lạ

Thói quen cắn móng tay, cắn các vật cứng rất có hại, vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ mẻ, ê, đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống. Về lâu dài có thể làm chết tủy răng và dễ có nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng, gây mất vệ sinh, dễ nhiễm các bệnh giun sán.

Mút ngón tay

Thói quen mút ngón tay có thể gây hại cả răng và hàm, khiến răng bị hô, lệch lạc, xương hàm bất thường, không đều,…

Ngoài ra, mút ngón tay chưa rửa sạch còn giúp vi khuẩn xâm nhập cơ thể trẻ, gây dễ mắc các bệnh giun sán, tay chân miệng, các bệnh về đường tiêu hóa…

Cha mẹ cần rèn cho con bỏ ngay thói quen này, có thể bằng thoa chất có mùi hoặc vị đắng lên ngón tay, dùng bao tay hoặc vải quấn vào ngón tay trẻ hay mút hoặc đưa trẻ đến chuyên khoa tâm lý,…

Thường xuyên ăn vặt hoặc đồ ngọt

Trẻ nhỏ thường thích các món ăn vặt hoặc đồ ngọt… điều này không những làm trẻ ngang bụng, dễ bỏ bữa, tăng cân hay béo phì, mà còn khiến trẻ dễ bị sâu răng nếu chăm sóc răng miệng không đúng cách.

Đánh răng không đúng cách

Đa số trẻ chỉ chải răng 1 lần/ngày vào mỗi buổi sáng, mà ít duy trì 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ hoặc chải ngay sau bữa ăn. Bên cạnh đó, nhiều trẻ vẫn chưa biết chải răng đúng cách, chỉ chải qua loa. Việc này không những tạo cơ hội cho mảng bám, thức ăn thừa còn tích tụ trên răng, mà còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu ở trẻ.

Nghiến răng

Đây là thói quen khá phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân trẻ nghiến răng là do khuynh hướng di truyền, tâm lý lo lắng, mọc răng, sai lệch khớp cắn, nhiễm giun kim, dị ứng, phản ứng thuốc,…

Dấu hiệu phát hiện trẻ nghiến răng khi ngủ: răng trẻ bị mòn, mẻ; trẻ kêu đau ở trán, tai; trẻ bị đau hàm khi nhai thức ăn; trẻ ngủ phát ra âm thanh ken két.

Tình trạng nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu, ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ, hàm và khớp thái dương hàm. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng, dẫn đến cắn sâu.

Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn khớp thái dương hàm, nhiều khi gây nhai khó và há miệng khó, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt, tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.

Bú bình đi ngủ

Nhiều trẻ nhỏ có thói quen ngậm bình sữa khi đi ngủ, cha mẹ có thể cho rằng điều này giúp trẻ thoải mái và không gây hại gì. Tuy nhiên thói quen này có thể dẫn tới sâu rang, và khiến tình trạng sâu răng tiến triển và lan nhanh.

Tâm An (t/h)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/thoi-quen-tuong-nhu-vo-hai-nhung-anh-huong-xau-toi-rang-mieng-cua-tre-d3923.html