Thói quen 'chặt chém' dịp Tết

Một số năm trở lại đây, người dân đã dần từ bỏ thói quen tích trữ đồ ăn trong dịp Tết. Cũng vì vậy, các hàng ăn cũng thường mở cửa từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều hàng ăn "nhẹ" như bún, phở, miến,… mọc lên ở khắp các vỉa hè, sẵn sàng phục vụ khách ngay từ sáng mùng 1 Tết, tuy nhiên giá cả lại đắt đỏ hơn nhiều lần so ngày thường.

Anh Quang Thiện, trú tại phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) bức xúc cho biết: Chán cảnh cứ đến bữa là ê chề thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, sớm mùng 3 Tết, để "đổi gió" anh Thiện đưa vợ con ra ngoài ăn sáng. Đến khi trả tiền, anh mới ngỡ ngàng vì bị "hét giá" 60 nghìn đồng/ bát bún riêu, trong khi ngày thường giá chỉ bằng một nửa. Không dừng ở đây, chọn một quán cà-phê để ngồi uống nước, anh Thiện tiếp tục bị "chém" 40 nghìn đồng/cốc cà phê và 50 nghìn đồng một cốc nước cam.

Trước thắc mắc của anh Thiện, bà chủ quán cà-phê giãi bày: Tết nên giá nguyên liệu đều đắt hơn, giá thuê nhân công cũng tăng gấp ba lần so với ngày thường nên phải nâng giá bán là chuyện tất nhiên. Ngoài giá các mặt hàng ăn uống, giá nhiều loại dịch vụ khác cũng tăng chóng mặt trong dịp Tết. Chẳng hạn, một loại dịch vụ gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng là giá trông giữ xe tại các công viên, tụ điểm giải trí, đền, chùa,… trong nội thành đều tăng ở mức 10-30 nghìn đồng/xe máy, 50-100 nghìn đồng/ô-tô.

Mức giá Tết này được duy trì đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng mới trở lại quỹ đạo bình thường. Không khí vui vẻ của ngày Tết thường khiến người dân trở nên hào phóng hơn, cho nên dù trong lòng không thỏa mãn, chúng ta vẫn chấp nhận móc túi trả tiền cao hơn cho những dịch vụ bị tăng giá. Từ đó, không ít kẻ lại lợi dụng tâm lý này để trục lợi, "đánh quả".

Vẫn biết, giá nhân công và vật liệu thường tăng cao trong Tết. Bên cạnh đó, người làm dịch vụ còn phải hy sinh thời gian chơi Tết để phục vụ mọi người, cho nên việc tăng giá là chấp nhận được.

Tuy nhiên, thực tế là giá nhiều loại mặt hàng đã bị "thổi" lên quá mức và ngay cả khi đã tính những chi phí tất yếu của ngày Tết thì vẫn cao hơn nhiều so với bình thường. Đáng nói hơn, mức giá tăng này lại không hề tương đồng với chất lượng đi kèm. Đồ ăn thì nhạt nhẽo vì toàn đồ đông lạnh từ trong Tết, các tụ điểm vui chơi, lễ hội thì đông nghịt và chật cứng, chen chúc. Sự vui vẻ, đầm ấm của ngày Tết rõ ràng đang mất dần vì guồng quay quá gấp gáp của cuộc sống.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32026702-thoi-quen-chat-chem-dip-tet.html