Thôi nuông chiều “công tử”

Vấn đề hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) lại một lần nữa khiến dư luận quan tâm, khi tại Hội nghị Chính phủ với các TĐ, TCT nhà nước diễn ra ngày 16-1 vừa qua, một con số được công bố khiến bất cứ ai cũng phải giật mình: Tổng nợ phải trả của các đơn vị này năm 2012 là trên 1,33 triệu tỷ đồng, một số TĐ, TCT vượt tỷ lệ nợ cho phép.

Cũng trong năm qua, lỗ phát sinh của các đơn vị khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số TĐ, TCT lỗ trong năm 2011 thì 2012 tiếp tục lỗ. Có 10 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng.

"Bắt bệnh” nguyên nhân làm ăn thua lỗ, Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho hay, nhiều đơn vị chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó do tâm lý trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước, không chủ động tái cơ cấu. Công tác cán bộ, đặc biệt với cán bộ quản lý cao cấp vẫn tiếp tục là khâu yếu, có nơi trong suốt thời gian dài không có chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc tổng giám đốc.

Một nguyên nhân nội tại khác là ý thức chấp hành pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành ở một số DN chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và kinh doanh có nơi buông lỏng. Tình trạng lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm kém trong một số TĐ, TCT chưa được khắc phục nhiều. Nhiều dự án đầu tư không có hiệu quả, không tiếp tục triển khai được…

Câu chuyện làm ăn thua lỗ, nợ nần, đầu tư trái ngành tràn lan của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước- vốn được xem như những "quả đấm thép” của nền kinh tế - đã được đặt ra từ lâu, trước cả khi xảy ra các vụ "chìm tàu” của Vinashin và gần đây nhất là Vinalines. Tuy nhiên, ngay cả khi một số "quả đấm thép” đang tan chảy, thì việc hoàn thiện thể chế quản lý loại hình doanh nghiệp này vẫn quá chậm. Để rồi khi xảy ra thất thoát, thua lỗ, các Bộ quản lý chuyên ngành có thể viện dẫn văn bản này, văn bản kia để không phải chịu trách nhiệm- một thực tế cho thấy đang có quá nhiều "ông chủ” quản lý tập đoàn, mà quá nhiều "ông chủ” ắt sẽ dẫn đến "vô chủ”. Phải chăng vì thế mà các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, nắm trong tay vốn chủ sở hữu lên tới 730.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hàng năm của cả đất nước, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với số tiền đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, trong khoảng 6- 7 năm gần đây, sự phát triển quá nhanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã vượt quá tầm quản lý, cũng như vượt quá khả năng điều hành của chính doanh nghiệp. Vì thế, nhiều người đã ví các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay như những cỗ máy khổng lồ mà khi chế tạo xong, người ta không thể kiểm soát được nó. Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu thậm chí đã ví các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như những "công tử”, đồng thời đặt vấn đề: phải chăng có nguyên nhân là do Nhà nước quá nuông chiều "các công tử” này, sẵn sàng cung ứng bầu sữa ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của họ? Và mỗi khi các "công tử” gặp hoạn nạn, Nhà nước dễ dàng mở hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà, hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn được "làm gà công nghiệp”, hưởng bao cấp dài dài.

"Người ta nói còn Vina nào nữa?. "Người dân, các chuyên gia có quyền hỏi như vậy. Liệu còn ai nữa hay không? Trong khi đó, tình trạng đầu tư kém hiệu quả, lãng phí trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nặng nề”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải thốt lên như vậy tại Hội nghị ngày 16-1 vừa qua.

Có lẽ, cùng với việc tiến hành tổng kết toàn diện việc thí điểm thành lập tập đoàn, việc ban hành một hệ thống văn bản đầy đủ, toàn diện để quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đồng thời công khai để nhân dân giám sát, là một việc làm cấp bách trong thời điểm này. Nói cách khác, thay vì nuông chiều, phải bắt các "công tử” chịu áp lực cạnh tranh, vứt bỏ thế độc quyền, chấm dứt và thoái vốn đầu tư ngoài ngành... Có vậy mới có thể chấm dứt được điệp khúc lỗ, nợ, mà cứ đến hẹn, các TĐ, TCT lại "ngân nga”. Không thể có những đứa con ngoan nếu như cứ mãi nuông chiều chúng, đáp ứng tất cả những đòi hỏi nhiều khi rất vô lý của chúng.

Trần Ngọc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60368&menu=1451&style=1