Thời hoa lửa trong ký ức của cựu binh Hà Thành nơi chiến trường Khe Sanh

Những người lính già về lại chiến trường xưa Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống và cùng bùi ngùi nhớ về một thời đạn bom khốc liệt.

Video: Những người lính già bùi ngùi nhớ thương đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ Quảng Trị

Những ngày tháng 7 đến vùng “đất lửa” Quảng Trị nhiều người luôn mang theo một nỗi niềm khó tả, những điều gì đó rất thiêng liêng với một lòng biết ơn, thành kính. Đó còn là nỗi nhớ tới đồng đội, đồng chí của những cựu chiến binh may mắn trở về từ cuộc chiến khốc liệt năm xưa.

Ký ức của người lính già ngược dòng lịch sử, đến với chiến trường khói lửa tỉnh Quảng Trị, nơi đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc sau hiệp định Genève. Trong tâm trí của những người lính già là những trận chiến ác liệt ở Đường 9 - Khe Sanh với các địa danh đã đi vào lịch sử như: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh, Huội San….

Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Thời hoa lửa trong ký ức cựu binh Hà Thành

55 năm kể từ sau trận chiến ác liệt, về thăm lại chiến trường xưa, trung tá Đinh Văn Tông (86 tuổi, ngụ tại Hà Đông, TP Hà Nội) vẫn không hết bồi hồi, xúc động. Năm 1967, trung tá Tông có mặt tại chiến trường Khe Sanh, khi đó ông là cán bộ tuyên huấn thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 241.

Sau thời gian chuẩn bị, đầu năm 1968, tất cả các hỏa lực, pháo binh của ta dập xuống các căn cứ Làng Vây, Khe Sanh, đồi Cù Bốc, Tà Cơn. Pháo binh của ta vùi dập ngay từ những phút đầu, khiến địch không kịp trở tay. Bầu trời lúc đó như một vầng lửa, Khe Sanh chìm trong mùi thuốc súng. Địch không ngờ được đoàn xe tăng của ta bí mật vượt sông, đánh vào các cứ điểm. Khi ta bắn rơi máy bay địch, anh em bộ binh, công binh, thanh niên xung phong nhảy lên các công sự hò reo. Còn xe tăng, bộ binh cứ tiến vào các cứ điểm, thế trận thắng như chẻ tre”, trung tá Tông nhớ lại.

Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa, cựu chiến binh Hồ Văn Xang (79 tuổi, ngụ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) là Đại đội trưởng bộ đội địa phương Nam Hướng Hóa. Bắt đầu từ năm 1967, lực lượng bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa được giao nhiệm vụ mở đường từ Lào tiến về thung lũng Khe Sanh, đồng thời tham gia đánh tiêu hao lực lượng địch đóng tại đây.

Những cựu binh Trung đoàn pháo cao xạ 241 năm xưa về thắp hương tưởng nhở đồng đội.

Ông Xang kể: “Đến đầu năm 1968, chúng tôi có nhiệm vụ dẫn đường, sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm các cứ điểm của địch đặt tại thung lũng Khe Sanh như: Làng Vây, đồi Cù Bốc, Tà Cơn. Sau hơn 5 tháng hiệp đồng chiến đấu khốc liệt, lá cờ giải phóng đã tung bay ở căn cứ Tà Cơn, huyện Hướng Hóa được hoàn toàn giải phóng”.

Hôm cùng chúng tôi đi thăm lại cứ điểm Làng Vây, Tà Cơn - nơi một thời chìm trong khói lửa chiến tranh, cựu chiến binh Hồ Văn Xang tỏ ra rất xúc động. Người lính già nước mắt rưng rưng chỉ tay về phía những vườn cà phê, hồ tiêu, chuối mật mốc xanh ngút ngàn ở xung quanh các cứ điểm, nói trong ngỡ ngàng: “Không ngờ vùng đất hố bom chi chít thưở ấy nay đã khoác lên mình màu áo mới. Đó là màu xanh của ấm no. So với 55 trước, thì bây giờ nơi đây đã thay da, đổi thịt gấp vạn lần!

Các đồng đội ơi, an nghỉ nhé!

Tưởng nhớ những đồng đội còn nằm lại, Trung tá Đinh Văn Tông cùng đoàn cựu binh Trung đoàn Pháo cao xạ 241 về thăm lại chiến trường Khe Sanh và thắp hương, đốt áo cho các đồng đội đang nằm lại vùng biên viễn của Quảng Trị. Tại bia tưởng niệm của Trung đoàn đặt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa, những người lính năm xưa nghiêm trang dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ, thống nhất Tổ quốc.

Chúng tôi năm nào cũng tổ chức một đoàn vào tri ân, thăm viếng các đồng đội đang an nghỉ tại đây. Trong số 400 đồng đội thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 241 hy sinh ở chiến trường Khe Sanh, đến nay nhiều đồng chí hài cốt vẫn còn nằm bên suối, bên khe, trong rừng sâu khiến người thân ngày ngày trông mong, đồng đội xót thương. Hôm nay, dường như các đồng chí ấy cũng đang về đây hội tụ cùng chúng ta. Các đồng đội ơi, an nghỉ nhé!”, giọng người lính già Đinh Văn Tông như lạc đi giữa tháng 7 Quảng Trị linh thiêng.

Những người lính già bùi ngùi nhớ về một thời hoa lửa và những đồng đội mãi mãi nằm lại với mảnh đất Khe Sanh lịch sử.

Không kìm được nước mắt, Trung úy Nguyễn Văn Khoát (ngụ quận Bắc Từ liêm, TP Hà Nội) bùi ngùi nhớ lại: “Nghĩa trang huyện Hướng Hóa là một trong những nơi các đồng đội của tôi nằm xuống trên mảnh đất Quảng Trị. Họ chủ yếu là thanh niên mười tám đôi mươi, những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường phải tạm gác lại việc học để ra chiến trường đánh giặc, giải phóng đất nước.

Trong số đó có biết bao đồng chí đã nằm lại trên mảnh đất này, có những người đã tìm được hài cốt nhưng vẫn còn những đồng đội vẫn đang nằm lại đâu đó. Nhiều người mới được tăng cường buổi chiều thì ngay buổi tối đã hy sinh. Lính mới, lính cũ chưa biết được tên, tuổi, quê quán khiến những người còn sống như chúng tôi thấy đau lòng.

Hằng năm với nỗi nhớ, lòng biết ơn nên chúng tôi lại khăn gói về đây thắp nén nhang với tấm lòng tưởng nhớ khôn nguôi những đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống nơi này”, Trung úy Nguyễn Văn Khoát chia sẻ.

Thế hệ trẻ đến cứ điểm Làng Vây (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) dâng hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ trong tháng 7 thiêng liêng.

Những ngày này, không chỉ của những cựu binh đi qua cuộc chiến may mắn trở về đây khóc thương cho đồng đội của mình - những người đã không về sau cuộc chiến. Tháng 7 này có cả những giọt nước mắt người thân, người dân và những người trẻ nhận ra hạnh phúc mỗi ngày mà mình đang thụ hưởng được trả giá bằng biết bao người lính hòa máu xương vào lòng đất mẹ.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-hoa-lua-trong-ky-uc-cua-cuu-binh-ha-thanh-noi-chien-truong-khe-sanh-ar807956.html