Thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm

Tại thôn 10, xã Đức Tín, huyện Đức Linh có gia đình của vợ chồng trẻ Phạm Chí Công – Bùi Thị Lệ, mới kết hôn cách đây 9 năm nhưng đã có gần 7 năm cuộc sống kinh tế khó khăn, có lúc trở thành hộ nghèo.

Nhưng 2 năm gần đây, gia đình anh Công đã chuyển sang trồng dâu nuôi tằm bằng giống mới, có thu nhập khá, đã thoát được cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống.

Khi mới lập gia đình, vợ chồng anh được cha cho 1 sào đất và mua thêm 4 sào đất ruộng sản xuất 2 vụ lúa để sinh sống. Vùng ruộng này, anh Công mua với giá thấp vì đất ít màu mỡ, do vậy canh tác lúa năng suất không cao.

Không nản chí, anh Công đi tìm hướng mới để phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu, học hỏi anh Công quyết định trồng dâu nuôi tằm. Đầu tiên, gia đình anh Công cải tạo 5 sào đất ruộng thành 4 sào đất trồng dâu và 1 sào ao nuôi cá, chủ yếu lấy nước tưới cho dâu trong mùa nắng. Giống dâu anh Công trồng là giống dâu mới có tên gọi là F7 hay còn gọi là Tam Bội với hàm ý năng suất gấp 3 lần giống dâu địa phương mà trước đây nông dân thường trồng. Giống dâu mới này có ưu điểm lá to, dày, để lâu héo, chất dinh dưỡng nhiều hơn, năng suất gấp 2 lần và thậm chí nếu được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật năng suất sẽ gấp 3 lần giống dâu địa phương hay còn được nông dân gọi nôm na là giống dâu “Ta”. Dâu trồng 3,5 tháng thì cho thu hoạch, anh Công bắt tay vào việc nuôi tằm.

Giống tằm anh nuôi cũng là giống mới, mà theo nhiều người có nguồn gốc từ Trung Quốc, được một tư thương ở TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bán và bao tiêu sản phẩm kén. So với giống tằm “Đa Trắng” địa phương mà ngày xưa dân nuôi; giống tằm mới này có sức đề kháng mạnh hơn, ăn khỏe; khi tằm lớn, bỏ nguyên cành lá dâu cho chúng ăn, đỡ tốn công tỉa hái lá. Năng suất giống tằm mới khá cao, 1 hộp tằm giống cho năng suất trung bình đến 50 kg kén, cao hơn giống tằm cũ “Đa Trắng” 15 kg kén.

Đầu tiên anh Công chỉ nuôi 1 hộp tằm giống. Cũng cần nói thêm, giống tằm anh Công mua đã được cơ sở sản xuất giống nuôi được 1 tuần tuổi mới xuất bán. Vì vậy anh chỉ cần nuôi 2 tuần nữa là tằm được đưa lên né hay còn gọi là bủa để kéo kén và 4 ngày sau là thu hoạch xuất bán. Nếu thời tiết quá lạnh, thời gian nuôi tằm có thể kéo dài thêm 1 ngày. Ngay đợt nuôi đầu tiên với quy mô 1 hộp tằm giống, trong thời gian chưa đầy 20 ngày, anh Công đã thu được 50 kg kén, bán với giá 120.000 đồng/kg, thu được 6 triệu đồng, nhẩm ra thực lãi 4,5 triệu đồng. Hiện gia đình anh Công có tất cả 1,7 ha đất trồng dâu, mỗi đợt nuôi từ 4-5 hộp tằm giống. Khi cao điểm, anh Công còn thuê 2 nhân công thu hoạch dâu nuôi tằm. Anh công cho biết thêm: Mặc dù tằm chỉ nuôi không quá 20 ngày là cho thu hoạch, nhưng nên dành thêm thời gian để vệ sinh chuồng trại, nên tốt nhất mỗi tháng nuôi 1 đợt tằm là vừa. Thuận lợi là trong 2 năm 2022 và 2023, giá kén tăng cao, mỗi kg kén giá từ 170.000-180.000 đồng; gần gấp rưỡi so với năm 2021. Theo đó, lợi nhuận của người trồng dâu nuôi tằm ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, bằng việc trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm gia đình anh Công thu thực lãi 200 triệu đồng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thoat-ngheo-nho-trong-dau-nuoi-tam-115656.html