Thoát nghèo nhờ nghề làm bánh đa

Đó là bà Lữ Thị Yến, 58 tuổi, ngụ ấp Lộc Thuận, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu. Bà Yến chia sẻ: 'Ngày trước công việc bấp bênh, gia đình bữa đói bữa no. Điều đó càng thôi thúc tôi đến với nghề làm bánh đa'.

Bà Yến và bánh đa thương hiệu Đồng Hòa của gia đình.

Trước đây, bà Lữ Thị Yến gắn bó với công việc đồng áng nuôi 3 người con khôn lớn. Gia cảnh khó khăn, lại thêm nhiều biến cố cuộc sống càng khiến cho bà Yến nỗ lực hơn để vươn lên thoát nghèo.

Khoảng năm 2001, nối tiếp nghề làm bánh đa truyền thống, bà Yến cùng chồng tự mày mò học hỏi, tìm ra công thức cho mẻ bánh đầu tiên. Hai người cùng nhau gầy dựng sự nghiệp từ nghề làm bánh đa, đặt tên cơ sở là Đồng Hòa (tên chồng của bà Yến).

Ban đầu làm nghề, mọi công đoạn làm bánh đều được gia đình bà Yến làm thủ công. Để chuẩn bị cho kịp một mẻ bánh, bà Yến phải thức dậy lúc 3 giờ sáng. Tuy nhiên, mẻ bánh đầu tiên không như ý muốn: bánh không chín đều, chỗ chín chỗ khét. Bà Yến đã nhiều lần nản chí, suy nghĩ đến việc bỏ cuộc.

Nhưng nghĩ lại, nếu không kiên trì làm việc, vượt qua khó khăn thì lấy gì nuôi gia đình? Thế là, bà tiếp tục công việc, thử nhiều cách để bánh có chất lượng đạt yêu cầu. Quy trình sản xuất bánh đa trải qua nhiều công đoạn như: chuẩn bị nguyên liệu, xay bột, hấp bánh bằng hơi nước nóng, phơi khô hoặc sấy, nướng bánh bằng máy điện, đóng gói.

Theo bà Yến, để bánh đạt tiêu chuẩn cần chuẩn bị kỹ từ công đoạn chọn nguyên liệu, bao gồm dừa, mè, bột gạo, bột mì và một số gia vị nêm nếm. Hơn nữa, muốn bánh nở đẹp, cần tráng bánh đều, phơi ở môi trường có nắng tốt.

Thất bại nhiều lần, bà Yến dần rút ra được kinh nghiệm. Bánh đa do gia đình bà làm bắt đầu được người tiêu dùng chấp nhận. Trung bình gia đình bà làm ra được từ 3.000 - 4.000 cái bánh một ngày, chở đi giao bằng xe mô tô, chủ yếu bán ở các xã gần nhà.

Tích góp dần, gia đình bà Yến đầu tư mua xe tải cũ phục vụ cho việc vận chuyển thêm thuận lợi. Cũng từ đây, cơ sở sản xuất làm ăn có tiến triển. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, bà Yến đầu tư vào mua sắm thiết bị, máy móc. Đến nay, gần như các công đoạn đều làm bằng máy.

Được biết, để tiết kiệm chi phí, gia đình bà đã tự chế tạo ra máy nướng bằng điện, máy sấy, khắc phục tình trạng bánh chưa đủ độ khô vào mùa mưa. Bà Yến chia sẻ, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất ra từ 25.000 đến 30.000 bánh, nhờ vào sự cải tiến về máy móc mà năng suất tăng hơn trước.

Bánh đa bà làm có vị vừa ăn, không mặn không ngọt, có độ béo của dừa và mè đen hoặc mè trắng, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Hiện tại, bánh đa sống (chưa nướng) của gia đình bán ra có giá 1.300 đồng/cái, hầu hết được giao cho các tỉnh ở khu vực miền Bắc và Trung. Còn bánh đa chín có giá khoảng 1.400 đồng/cái, giao trong tỉnh và các khu vực lân cận như tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Vĩnh Long...

Bà Yến phơi bánh đa trong sân nhà.

Nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng, cơ sở sản xuất của bà Yến đã di dời đến ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Theo chia sẻ của bà, việc phơi bánh đa cần không gian rộng nên gia đình đã quyết định thuê đất tại địa phương, phục vụ cho công việc được thuận lợi, cho năng suất bánh nhiều và đạt chất lượng tốt.

Bà Yến tâm sự, thời buổi công nghệ, hầu hết các cơ sở đều đầu tư thiết bị máy móc hiện đại. Do nguồn vốn có hạn, gia đình bà tận dụng sức người để chế ra máy nướng, máy sấy nên hiệu quả bánh vẫn chưa được như mong muốn. Nếu thời tiết thuận lợi, có nắng to- như từ tháng 12 đến tháng 3- thì bánh được phơi khô đều, sản phẩm cho ra đẹp mắt, đạt yêu cầu của khách. Còn vào mùa mưa thì bánh không khô, phải sử dụng lò sấy thủ công, không đủ số lượng, hao công, không có lợi nhuận nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đức, ngụ ấp Tân Định 2, xã Suối Đá cho biết, bà Yến rất chăm chỉ lao động. Hơn thế nữa, bà sống hòa đồng, có thái độ lịch sự và biết quan tâm đến bà con xung quanh. Từ ngày về đây, bà Yến đã tạo điều kiện cho người dân có việc làm, đóng góp cho địa phương. Hễ ai gặp khó khăn, bà luôn thăm hỏi, giúp đỡ động viên.

Ngoài tạo điều kiện việc làm cho người dân ở đây, bà Yến còn tham gia tích cực vào Hội Phụ nữ của địa phương, tiếp thêm động lực cho phụ nữ mạnh dạn phát triển sự nghiệp bản thân. Bà Châu Thị Ngọc Hoa- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Đá nhận xét: “Sau khi bà Yến thành lập cơ sở bánh đa tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, cơ sở đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để thành lập tổ hợp tác bánh đa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bà Yến đã góp phần tạo công việc cho hội viên, giúp người dân trên địa bàn xã có cuộc sống ổn định”.

Bảo Thi

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thoat-ngheo-nho-nghe-lam-banh-da-a170701.html