Thoát nghèo nhờ đồng vốn của Nhà nước ở cao nguyên đá

Với đa phần người dân ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp của Nhà nước là động lực để bà con sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập cải thiện cuộc sống.

Anh Giàng Mí Trứ, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) Ngân hàng Chính sách xã hội ở thôn Ngài Lủng, thị trấn Đồng Văn dẫn chúng tôi vào nhà, rót rượu mời uống rồi bảo, cái nhà này cũng là nhờ tiền vay vốn Nhà nước nuôi trâu bò mà có đấy. Đồng vốn mà tổ trưởng Trứ nói đến chính là vốn vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719).

Anh Giàng Mí Trứ chia sẻ về quá trình vươn lên thoát nghèo nhờ đồng vốn được vay từ chủ trương của Chương trình 1719.

Anh Giàng Mí Trứ chia sẻ về quá trình vươn lên thoát nghèo nhờ đồng vốn được vay từ chủ trương của Chương trình 1719.

Riêng anh Trứ, từ năm 1998, anh đã biết vay vốn ưu đãi Nhà nước qua Ngân hàng người nghèo. Lúc đầu chỉ vay 15 triệu mua một con bò, dần dà anh Trứ vay nhiều hơn, đầu tư nuôi nhiều bò hơn, trồng 1 ha cỏ voi, cỏ gianh, làm chuồng trại tránh rét cho bò. Từ chỗ nhà nghèo nhất thôn, giờ gia đình anh Trứ đã có ti vi, xe máy. Tổ trưởng Tổ TKVV Giàng Mí Trứ kể về quá trình vay vốn thoát nghèo của gia đình mình: Mình vay tiền về biết sử dụng là có ghế ngồi, có tivi, có xe máy, có bò có lợn, trước nhà mình nghèo nhất cả thôn. Trong nhà không có gì, chuồng trại không có nhà không có, bán bò về xây dựng nhà cửa, chuồng trại. Giờ thì ổn rồi, con lấy vợ lấy chồng, có cháu rồi, con dâu con trai ở nhà mới, to hơn thế này. Hiện nay dư nợ của mình là 60 triệu đồng.

Nhiều người dân ở thôn Ngài Lủng đã biết và đã có điều kiện làm chuồng trại tránh rét cho gia súc.

Nhiều người dân ở thôn Ngài Lủng đã biết và đã có điều kiện làm chuồng trại tránh rét cho gia súc.

Ở thôn Ngài Lủng có 53 hộ dân thì 33 hộ là hộ nghèo. Nếu không vay được vốn ưu đãi của Nhà nước, bà con không biết làm ăn như thế nào để cải thiện đời sống vì ở cao nguyên đá, đất đai trồng trọt không có, làm ăn gì cũng cần phải có vốn. Là tổ trưởng, lo kinh tế gia đình mình rồi, anh Trứ còn đi vận động các hộ dân khác mạnh dạn vay vốn, học hỏi cách chăn nuôi trâu bò. Vợ chồng anh chị Sình Mí Cấu và Vừ Thị Dính cũng vậy. Anh chị giờ đã biết làm chuồng trại tránh rét cho bò, biết trồng cỏ voi, nấu cám nuôi bò cho béo khỏe. Gia tài anh chị có bây giờ là ba con bò đực to, trị giá hơn trăm triệu đồng.

Một trong ba chú bò đực, tài sản có giá trị của gia đình chị Vừ Thị Dính.

Một trong ba chú bò đực, tài sản có giá trị của gia đình chị Vừ Thị Dính.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Văn cho biết huyện miền núi Đồng Văn nằm trong danh sách những huyện nghèo của cả nước, đa phần người dân là khách hàng vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 28 (Chương trình 1719). Dù dư nợ đến hết năm 2022 của huyện là trên 353 tỷ đồng nhưng có tới 8850 khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay đạt trên 121 tỷ đồng với 2557 lượt hộ vay vốn tập trung chủ yếu ở các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (Chương trình 1719). Điều mong mỏi của các cán bộ tín dụng nơi đây là làm sao giúp bà con thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay các món vay lớn để đầu tư ra tấm ra món, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Đồng Văn hiện vẫn là 1 trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 67,96%; hộ cận nghèo chiếm 12,38%; hộ không nghèo chỉ chiếm 19,66% theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2022-2025. Chính vì vậy, nguồn vốn lãi suất thấp của Nhà nước giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội có ý nghĩa quan trọng với công cuộc giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn đánh giá, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng trên địa bàn đã phát huy tương đối tốt vai trò bệ đỡ cho người dân địa phương phát triển kinh tế, đặc biệt khi Đồng Văn đang chú trọng phát triển du lịch, tạo đà nâng cao mức sống của người dân.

Đối với Hà Giang nói chung, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện Chương trình 1719 một cách đồng bộ các chính sách dân tộc gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; vừa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với lồng ghép tối đa các nguồn vốn của Chương trình 1719 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Để làm được điều đó, Hà Giang đã cụ thể hóa Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 8/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang”; Kế hoạch số 172/KH - UBND ngày 29/6/2022 về triển khai thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Kế hoạch 262/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025.

Thu Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoat-ngheo-nho-dong-von-cua-nha-nuoc-o-cao-nguyen-da-5726211.html