Thoát khỏi Auschwitz

Khi đó mới 11 tuổi, cậu bé Do Thái Simon Gronowski ở Bỉ cùng mẹ bị phát xít Đức dồn vào một toa tàu chuyên chở gia súc tới Auschwitz.

Simon Gronowski

Cha của Simon đã trốn thoát và cậu bé Simon quyết định chạy trốn đi tìm cha. Một nhóm những người đàn ông trong toa xe đã cố mở cửa toa cho Simon nhảy xuống, trong lúc con tàu vẫn chạy.

Con tàu chậm dần, những phát súng nổ vang đuổi theo sau Simon trong lúc cậu bé dồn sức chạy vào rừng. Suốt cả đêm, cậu bé hối hả vượt qua hết khu rừng này đến cánh đồng khác. Cuối cùng, cậu tìm được một ngôi làng. Simon gõ cửa một ngôi nhà. Người phụ nữ trong nhà đưa cậu đến cảnh sát địa phương. Viên cảnh sát tên Jan Aerts biết rằng, Simon vừa chạy trốn khỏi toa tàu của phát xít và quyết định giúp đỡ cậu bé. Anh cho Simon thức ăn, quần áo sạch và đưa cậu lên chuyến tàu đi Brussels, nơi cha cậu sống. Simon đã tái hợp với cha và sống lặng lẽ cùng một gia đình Công giáo.

Buồn thay, mẹ và chị của Simon đã bị sát hại tại Auschwitz. Simon sống ở Brussels trong nhiều năm, trở thành một luật sư và nhạc sĩ nhạc jazz.

Trong suốt 50 năm, Simon hiếm khi nói về các trải nghiệm thời chiến, cho đến khi ông đồng ý viết một cuốn sách về giai đoạn này. Ông cũng thuyết trình tại các trường học, kêu gọi giới trẻ bảo vệ tự do và hòa bình trên quê hương mình.

Witold Pilecki

Witold Pilecki là một trường hợp khá khác biệt. Ông gần như là người duy nhất tình nguyện đến Auschwitz rồi trốn thoát khỏi đó. Khi đó, Pilecki là một cựu chiến binh Ba Lan 39 tuổi, từng chiến đấu chống lại phát xít Đức và gia nhập phong trào kháng chiến Ba Lan.

Sau khi được nghe những chuyện khủng khiếp về Auschwitz, những người kháng chiến quyết định rằng họ cần gửi người tới trại tập trung để thu thập thông tin. Pilecki đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ này. Với một bí danh, ông để cho mình bị bắt vào năm 1940.

Pilecki đã tồn tại trong Auschwitz suốt 3 năm. Ông thu thập thông tin và bí mật gửi các báo cáo về cuộc sống trong trại tập trung, kể cả những lần tù nhân được chuyển từ nhà tù sang trại hủy diệt. Ông cũng xây dựng và điều hành mạng lưới kháng chiến mà ông gọi là Liên hợp Tổ chức quân đội gồm hơn 500 tù nhân bên trong Auschwitz.

Tháng 4/1943, Pilecki quyết định lập kế hoạch trốn khỏi trại tập trung, với hy vọng sẽ thuyết phục đội ngũ kháng chiến Ba Lan tấn công vào trại. Ngày 26/4, ông và hai người tù khác làm việc trong lò bánh bên ngoài trại. Nhằm lúc lính canh sơ ý, họ đã ra ngoài và chạy trốn.

Pilecki đã về tới Warsaw, nhưng không thành công trong việc thuyết phục quân kháng chiến Ba Lan tấn công Auschwitz. Ông tham gia cuộc nổi dậy Warsaw, sau đó lại bị phát xít bắt và đưa tới một trại tù binh chiến tranh. Tháng 4/1945, Pilecki được quân Mỹ giải phóng. Ngay sau đó, ông tham gia Quân đoàn II của Ý như một sĩ quan tình báo. Năm 1947, ông bị các nhà chức trách Ba Lan bắt và thẩm vấn. Sau đó, ông bị đưa ra tòa và bị xử tử. Người ta cho rằng, ông được mai táng tại nghĩa trang quân đội Powazki ở Warsaw.

Nano

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thoat-khoi-auschwitz-3903428-b.html