Thoái vốn vẫn chậm

Trong tổng số gần 22 ngàn tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn, đến nay mới chỉ rút được 178,68 ngàn tỷ đồng.

Năm 2014, tính đến cuối tháng 6 giá trị vốn đầu tư các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được là 821,8 tỷ đồng; Trong đó, rút vốn khỏi chứng khoán là 23 tỷ đồng, tài chính, ngân hàng là 73 tỷ đồng, bảo hiểm 72,5 tỷ đồng. Giá trị vốn đầu tư đã thoái tại các doanh nghiệp giảm tỷ lệ sở hữu là 653,3 tỷ đồng.

Còn cả năm 2013 các tập đoàn tổng công ty đã thoái được 965 tỷ đồng (tài chính, ngân hàng là 734,7 tỷ đồng, bảo hiểm 135 tỷ đồng, bất động sản 103,5 tỷ đồng, các quỹ đầu tư 7 tỷ đồng).

Cập nhật tình hình thoái vốn của các "ông lớn” cho thấy: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (120 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (376 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (105 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng)...

Thoái vốn là một trong giải pháp gắn với quá trình tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Một khi lộ trình thoái vốn chậm, hoạt động tái cấu trúc bị ảnh hưởng. Tại hội thảo "Doanh nghiệp nhà nước: thành công và những bài học đắt giá” diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, phần lớn các ý kiến chuyên gia đều cho rằng phải phân vai rõ ràng trong quá trình thoái vốn của DN, vì đề án thoái vốn được chính DN xây dựng. Nếu như ban lãnh đạo DN không triển khai đúng tiến độ thì lỗi của lãnh đạo DN.Với những nguyên nhân đã được DN báo cáo, cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ. Quá trình thoái vốn cần được kiểm soát từng khâu để vốn nhà nước không bị thất thoát.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thoái vốn được thực hiện trên nguyên tắc cơ cấu lại nguồn lực của Nhà nước. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN không thực hiện được tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ban lãnh đạo DN được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, vào dịp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: "Năm nay phải cổ phần hóa quyết liệt, lãnh đạo nào không làm được thì thay”.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=84933&menu=1372&style=1