Thỏa ước nguyện phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc

Trong kỳ tuyển sinh năm 2017, ba anh em sinh ba: Nguyễn Doãn Mạnh, Nguyễn Doãn Trọng và Nguyễn Doãn Vinh (sinh năm 1999), con ông Nguyễn Doãn Dũng và bà Thái Thị Tân ở khối 2, thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cùng thi đỗ vào Trường Sĩ quan Thông tin. Sáng 5-8, chúng tôi đến thăm, chúc mừng và trao quà của Đảng ủy, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân tặng ba em.

Sự kiện ba anh em sinh ba là học sinh Trường THPT Thanh Chương I (Thanh Chương, Nghệ An) vừa cùng trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Thông tin trở thành niềm tự hào, hãnh diện của gia đình và bà con địa phương. Nhiều ngày nay, ngôi nhà nhỏ của ba anh em luôn chật kín khách đến chúc mừng. Khi chúng tôi đến, ba anh em Mạnh, Trọng, Vinh vừa trở về nhà sau khi cùng các chú, các bác sửa lại ngôi nhà thờ họ, chân tay còn lấm lem bụi đất.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, nhưng ba anh em và người chị gái hiện đang là sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh đều bảo ban nhau cùng nỗ lực vươn lên trong học tập, chăm ngoan, được thầy giáo, cô giáo, bạn bè, mọi người quý mến. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, ba anh em đều giành được điểm khá cao. Các em đều đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan Thông tin và đều trúng tuyển. Nguyễn Doãn Mạnh có tổng điểm khối A là 24,6 (Toán 8,6; Lý 8,25; Hóa 7,75); Nguyễn Doãn Trọng có tổng điểm khối A là 26,95 (Toán 9,2; Lý 8,5; Hóa 9,25); còn Nguyễn Doãn Vinh đạt tổng điểm khối A là 27,45 (Toán 9,2; Lý 8,75; Hóa 9,5).

Đại diện Báo Quân đội nhân dân trao quà của Đảng ủy, Ban biên tập tặng ba anh em cùng trúng tuyển Trường Sĩ quan Thông tin.

Gia đình đông con nên anh Dũng, chị Tân đã bươn chải làm mọi nghề để mưu sinh. Trước đây, gia đình anh Dũng có mảnh vườn tại thị trấn nhưng sau đó phải bán đi để trang trải cuộc sống và giúp các con học hành. Anh Dũng sau khi xuất ngũ (năm 1992) về làm nghề thợ xây, rồi gom góp tiền bạc mua chiếc xe gắn máy, làm "xe ôm". Chị Tân dù sức khỏe không tốt, mắc phải căn bệnh tuyến giáp và dị tật ở mắt nhưng vẫn bươn chải mọi nghề, như làm thuê, buôn bán để phụ giúp chồng nuôi các con ăn học. Hằng ngày, thu nhập của anh chị chỉ đủ lo ăn ba bữa cho cả gia đình.

Do công việc đặc thù, hay di chuyển trên đường nên anh Dũng thường bắt gặp nhiều trường hợp bị tai nạn. Những lúc thấy người gặp nạn, anh đều tình nguyện chở người bị thương đến bệnh viện cấp cứu dù không biết họ tên hay địa chỉ của họ ở đâu. Chị Tân kể: “Tôi và các con không còn lạ nữa khi nhiều lần anh ấy đi làm về với chiếc áo bê bết máu. Hỏi ra, mới biết anh gặp người tai nạn dọc đường, chở đến bệnh viện cấp cứu rồi lại quay đi chở khách ngay".

Chị Tân còn cho biết, vào những buổi tối mùa hè nóng bức, mấy cha con khiêng chõng tre ra ngoài sân đón gió, ngắm sao trời. Và anh Dũng đã kể chuyện cho các con nghe về quãng đời quân ngũ hơn 3 năm của mình. Anh từng là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Qua lời kể của bố, 4 chị em được biết đến nếp sống kỷ luật, rèn luyện của môi trường quân đội. Dù rời quân ngũ đã lâu, nhưng anh Dũng vẫn duy trì nếp sống, tác phong quân đội, đồng thời vận dụng vào việc dạy dỗ, bảo ban các con. Anh Dũng, nói: “Trong cuộc sống hằng ngày, tôi vẫn luôn tâm sự, chia sẻ với các con về nếp sống, kỷ luật và những kỷ niệm qua mấy năm phục vụ trong quân đội. Tôi bày tỏ mong muốn các con đi theo con đường này. Đó là môi trường tốt để các con học tập, rèn luyện và trải nghiệm”.

Sự lựa chọn môi trường quân đội của ba anh em Mạnh, Trọng, Vinh bắt đầu từ nguyện vọng của bố. Là người "anh cả" trong ba anh em, Nguyễn Doãn Mạnh cho biết: “Từ nhỏ, bố đã rèn cho anh em chúng em nền nếp, tác phong của người lính Cụ Hồ. Ví như, việc dậy sớm mỗi buổi sáng để tập thể dục; tác phong “ba bước đi, năm bước chạy”; cách gấp chăn màn vuông vắn… Bố cũng thường kể cho chúng em nghe những câu chuyện và kỷ niệm đẹp trong quân ngũ. Từ sự dạy bảo và những câu chuyện của bố, trong tiềm thức của ba chúng em luôn có một tình cảm đặc biệt với quân đội. Vì thế, chúng em quyết tâm cùng nhau phấn đấu thực hiện được ước nguyện của bố”. Còn Nguyễn Doãn Trọng, thì nói: “Ba anh em cùng chọn học Trường Sĩ quan Thông tin là vì đều muốn tiếp tục gắn bó, hỗ trợ, sẻ chia với nhau trong những năm tháng học xa nhà”.

Được biết, hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, các em còn phụ giúp cha mẹ công việc nhà, việc đồng áng. Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, ba anh em đều cho biết, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, cần có thêm nhiều kiến thức xã hộ thông qua việc xem thời sự, đọc sách báo, tập phân tích, bình luận... Những bài tập khó, ba anh em cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra phương pháp giải nhanh, giúp nhau kiểm tra chéo kiến thức.

Cô Trịnh Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm Lớp 12B, Trường THPT Thanh Chương I kể về “bộ ba” bằng niềm tự hào: “Ba anh em Mạnh, Trọng, Vinh đều là những học trò chăm ngoan, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Mặc dù điều kiện gia đình không được khá giả, nhưng các em luôn có tinh thần vượt khó, được bạn bè, thầy cô quý mến. Khi biết cả ba anh em đều trúng tuyển vào một trường của quân đội, các thầy giáo, cô giáo trong trường ai cũng vui mừng và tự hào”.

"Tôi đã được sống, rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Nhờ đó mà sau này trước gian khó cuộc đời tôi vẫn trụ vững. Hồi đó, do hoàn cảnh gia đình nên tôi phải xuất ngũ. Giờ đây, tôi ước nguyện cuộc đời của các con tôi sẽ tốt đẹp hơn và các cháu sẽ được mang tâm huyết, sức lực, trí tuệ phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc, làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ, quê hương"-anh Dũng xúc động nói với chúng tôi như vậy.

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thoa-uoc-nguyen-phuc-vu-quan-doi-phuc-vu-to-quoc-514305