Thỏa thuận Xanh châu Âu: Dung hòa hai mục tiêu môi trường và kinh tế

Ngày 27.2, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để thảo luận các biện pháp đơn giản hóa các quy định trong Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (PAC) và Thỏa thuận Xanh châu Âu. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu và máy kéo tràn cả tới Brussels, giới lãnh đạo đã bước đầu chấp nhận một số nhượng bộ. Song các nhà phân tích cho rằng, đó chỉ là những giải pháp mang tính tình thế và EU cần có một chiến lược tổng thể có thể dung hòa hai mục tiêu môi trường và kinh tế cho người nông dân.

Gánh nặng đè lên vai nông dân

Cuộc khủng hoảng nông nghiệp bắt đầu từ giữa năm 2023 và thực sự bùng nổ trong vài tháng trở lại đây. Nhiều hoạt động biểu tình của nông dân với "vũ khí" truyền thống là phân bón, trứng thối và cà chua ủng, cùng các vụ phong tỏa nhiều trục quốc lộ bằng xe tải, máy kéo, máy nông nghiệp. Ở Pháp, máy kéo đã làm tê liệt hệ thống đường cao tốc trong những tuần gần đây. Những hành động tương tự đang diễn ra ở các quốc gia thành viên trên khắp EU, từ Bỉ, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp… và bây giờ là Séc.

Trọng tâm của các cuộc biểu tình là gánh nặng từ những cam kết về khí hậu của EU đặt lên vai nông dân. Thỏa thuận Xanh là chìa khóa để EU đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng lại đòi hỏi nông dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn quá cao. Theo những người biểu tình, những tấm séc trợ cấp đến từ EU đều đi kèm một danh sách yêu cầu, trong khi hàng hóa thì không bán nổi do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Chiến lược Farm to Fork (Từ trang trại đến bàn ăn), trọng tâm của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đưa ra các mục tiêu tham vọng mà nông nghiệp EU cần đạt được vào năm 2030 như giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu và 20% lượng phân bón, chuyển đổi ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp sang canh tác hữu cơ.

Nông dân từ Greater West của Pháp lái máy kéo biểu tình ở Rennes ngày 26.2 để bày tỏ sự tức giận đối với chính sách nông nghiệp châu Âu. Ảnh: Hans Lucas/ Estelle Ruiz

Nông dân cũng phản đối các FTA của EU cho phép nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia xa xôi, nơi các tiêu chuẩn về môi trường và chất lượng dễ dãi đã ảnh hưởng doanh thu của nông dân châu Âu.

Họ cũng cảm thấy bất bình vì trong khi nông dân các nước EU phải chi trả cho phí năng lượng và phân bón ngày càng tăng cao do chiến tranh ở Ukraine, thì các trang trại rộng lớn của Ukraine lại có thể bán ngũ cốc và thực phẩm khác với giá rẻ trên khắp EU mà không phải chịu thuế hải quan.

Sức ép bầu cử đối với lãnh đạo châu Âu

Không chỉ nông dân lo ngại về chi phí của các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp thân thiện với môi trường. Cử tri nói chung có xu hướng lo ngại về chi phí sinh hoạt gia tăng do giá nông sản cao hơn - những thứ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của họ, thay vì nghĩ đến những tác động xa xôi của môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các chính phủ EU lo ngại hậu quả nếu không kịp thời xoa dịu các nhà vận động hành lang của ngành nông nghiệp trong bối cảnh cuộc bầu cử lập pháp của châu Âu đang tới gần. Nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 1,4% GDP EU trong năm 2023, nhưng ở nhiều quốc gia thành viên, ngành này có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, người đã thông báo sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, từng đặt các mục tiêu về khí hậu là trọng tâm trong chương trình hành động của mình. Nhưng nhóm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu mà bà von der Leyen là thành viên hiện đang tự nhận mình là “đảng của nông dân”. Trong cuộc bỏ phiếu năm 2023 về Luật Phục hồi thiên nhiên, rất nhiều thành viên EPP đã bỏ phiếu chống lại dự luật - và họ có thể cố gắng chống lại bà về chương trình nghị sự xanh. Vì vậy, xung đột giữa nông dân và khí hậu có thể sẽ là yếu tố quyết định trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức của EU vào tháng 6 tới.

Những nhượng bộ của EU

Trước cuộc biểu tình chưa từng có của nông dân EU kéo dài nhiều tháng qua, lãnh đạo châu Âu và cá nhân từng nước đã có sự nhượng bộ nhất định.

Trong một động thái xoa dịu mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) tạm gác lại đề xuất về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. EC khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp EU bắt đầu vào ngày 27.2, nhằm tháo gỡ những vướng mắc của nông dân. Trong thông báo về các mục tiêu khí hậu đến năm 2040, EC tránh xác định mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp; đồng thời xem xét lại một trong những quy định bị chỉ trích nhiều nhất, là việc áp đặt nghĩa vụ bỏ hoang 4% diện tích đất của mỗi người để khuyến khích phát triển đa dạng sinh học, theo hướng cho phép nông dân trồng các loại cây trồng có tác động môi trường thấp hơn trên phần đất lẽ ra vẫn chưa được canh tác.

EU cũng tạm đình chỉ một thỏa thuận thương mại, đã được thực hiện hơn 20 năm, với khối Mercosur. Ngoài ra, những nhượng bộ đối với Ukraine, vốn khiến nông dân ở các nước láng giềng như Ba Lan và Romania đặc biệt tức giận, cũng được điều chỉnh.

Ở cấp độ quốc gia, Pháp tuyên bố tạm dừng kế hoạch tăng thuế đối với dầu diesel - nhiên liệu sử dụng cho máy kéo nông nghiệp; ngay lập tức cấm nhập khẩu rau và hoa quả từ các nước ngoài EU nếu những mặt hàng này sử dụng thuốc trừ sâu Thiacloprid, công bố gói hỗ trợ 162 triệu USD giúp các chủ trang trại nuôi gia súc, cùng nhiều biện pháp giảm áp lực tài chính và hành chính cho nông dân.

Chính phủ Đức cũng rút lại một phần kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel, giữ nguyên việc miễn thuế ô tô đối với xe nông nghiệp. Hy Lạp tuyên bố gia hạn thời gian giảm thuế đặc biệt đối với dầu diesel thêm một năm.

Nông dân - trung tâm của chuyển đổi xanh

Tuy nhiên, có vẻ như những nhượng bộ như vậy chỉ giúp giải quyết phần ngọn của vấn đề. Các chuyên gia cho rằng EU phải xác định các mục tiêu khí hậu là con đường tất yếu dẫn đến tương lai và mọi cải cách đều đòi hỏi sự hy sinh đau đớn. Tuy nhiên, EU có thể tìm kiếm một con đường trung dung hơn để không bỏ lỡ mục tiêu khí hậu của mình.

Thứ nhất, nếu Thỏa thuận Xanh và các mục tiêu môi trường tác động lớn nhất đến nông dân và lĩnh vực nông nghiệp thì nông dân phải được đặt ở trung tâm của sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện. Điều đó cho nông dân thấy rằng, họ không bị gạt ra ngoài lề trong quá trình phát triển. Một trong những lý do sâu xa đằng sau tất cả những phản kháng mà cộng đồng nông dân toàn châu Âu thể hiện thời gian qua đó là họ cảm thấy vị trí của họ bị đe dọa. Trong thế giới của TikTok và ChatGPT, chưa có khoản trợ cấp nào đủ hấp dẫn để một thanh niên 20 tuổi gắn bó với công việc đòi hỏi họ phải thức dậy lúc bình minh và quần quật với công việc đồng áng đến tận tối mịt 7 ngày mỗi tuần. Do đó, chương trình nghị sự xanh của châu Âu cần có trụ cột tài chính vững chắc hậu thuẫn cho những biện pháp hỗ trợ này.

Không dễ có thêm nguồn tài trợ thông qua ngân sách châu Âu trong bối cảnh EU cũng đang phải gồng lên để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, trụ cột này cần được củng cố và mở rộng nếu không toàn bộ chính sách về môi trường có thể sụp đổ hoặc thụt lùi. Tất nhiên, những yêu cầu tăng thêm ngân sách sẽ vấp phải sự phản đối, đặc biệt là ở các thủ đô có xu hướng tiết kiệm như Berlin và La Hay. Nhưng ngay cả các nhà lãnh đạo Đức hay Hà Lan giờ đây cũng có thể phải nhìn nhận mọi thứ theo cách khác, vì các cuộc biểu tình của nông dân đã nhắc nhở rõ ràng về cái giá phải trả của việc không tăng ngân sách để giải quyết vấn đề.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo châu Âu cần có những buổi đối thoại trực tiếp với nông dân để họ hiểu về lợi thế cạnh tranh. Trong một tương lai mà các ngành nông nghiệp và công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu, bất kỳ sự trì hoãn quá trình chuyển đổi xanh sẽ phải trả giá bằng việc mất đi lợi thế đi đầu thị trường toàn cầu trong phát triển ngành công nghiệp và nông nghiệp xanh.

Những cuộc đối thoại chân thành, những khoản hỗ trợ tài chính và đặt nông dân ở trung tâm của quá trình chuyển đổi xanh có thể là cách tốt nhất để các nhà lãnh đạo EU giúp những người nông dân làm quen với việc phải từ bỏ thế giới sử dụng nhiên liệu carbon mà họ quen thuộc. Sự tức giận và phản kháng của họ ở giai đoạn đầu tiên thực hiện những bước đi cải cách là khó tránh khỏi, song các nhà lãnh đạo châu Âu có thể hỗ trợ họ ở giai đoạn khó khăn trước mắt và chỉ cho họ thấy những lợi ích lâu dài và vĩnh viễn của các mục tiêu về môi trường.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thoa-thuan-xanh-chau-au-dung-hoa-hai-muc-tieu-moi-truong-va-kinh-te-i361219/