Thỏa hiệp Phi-Trung sẽ 'hy sinh' Biển Đông?

Chính quyền Duterte rất có thể “thân Trung”, “thoát Mỹ”, giải quyết tranh chấp Biển Đông có lợi cho Trung Quốc.

Ngày 4/10, Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ mang tên "PHIBLEX 33" ở đảo Luzon và đảo Palawan của Philippines. Khoảng 2.000 binh sĩ hai bên tham gia, trong đó có ít nhất 1.400 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại Okinawa (Nhật Bản) cùng 500 binh sĩ Philippines. Cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 12/10.

Nhưng, cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố PHIBLEX có lẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng giữa Philippines và Mỹ trong nhiệm kỳ 6 năm của ông, kết thúc vào tháng 6/2022.

Người dân Philippines quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được Tòa án quốc tế xét xử có lợi cho Philippines

Hiện nay, giới quan sát vẫn chưa xác định được đường hướng chính sách đối ngoại mới của chính quyền Duterte. Điều có thể là tốt đẹp cho Philippines và tất cả các bên liên quan là chính quyền này sẽ theo đuổi một chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Philippines cải thiện quan hệ với Trung Quốc là một tất yếu khách quan và cũng có lợi cho hòa khí ở khu vực. Một chính sách đòn bẩy thực dụng, trong đó cải thiện với Trung Quốc để tranh thủ các lợi thế từ Mỹ là một điều khôn ngoan. Chính quyền Duterte cũng có thể sử dụng việc duy trì quan hệ với Mỹ, trước hết là về an ninh quốc phòng, để tăng thế thương lượng với Trung Quốc.

Vừa qua, nhân dịp Ngoại trưởng John Kerry thăm Philippines, Mỹ đã viện trợ thêm cho Philippines 30 triệu USD. Ông Duterte nói với báo chí đó là nhờ ông “chửi Mỹ mạnh” nên Mỹ viện trợ cho Philippines.

Chính quyền Duterte có thể sẽ áp dụng chính sách cấp tiến “thân Trung” và “thoát Mỹ”.

Ông Duterte là một người bài xích Mỹ. Ông không che dấu sự ác cảm đối với Mỹ. Vừa rồi, đáp trả việc Mỹ bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền do các vụ bắn giết những kẻ buôn bán ma túy và sử dụng ma túy ở Philippines một cách “vô thiên vô pháp”, ông đã nặng lời với Tổng thống Mỹ Obama (son of whore) và với Đại sứ Mỹ tại Philippines (nasty gay).

Ông Duterte tuyên bố rút binh lính Mỹ đang huấn luyện chống những kẻ Hồi giáo nổi loạn ở Mindanao và ngừng các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Philippines tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ông chỉ thị cho các giới chức trách xem xét lại Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) được hai nước ký kết năm 2014. Tuy nhiên, ông Duterte nhấn mạnh rằng Philippines không cắt đứt quan hệ với Mỹ, mà đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

Bãi cạn Scaborough là một trong "viên đá thử" thỏa hiệp Trung-Phi trong vấn đề tranh chấp biển đảo

“Thân Trung” để đối phó với các sức ép đối nội?

Ba cam kết của ông Duterte khi tranh cử tổng thống – dẹp nạn ma túy, khôi phục trị an; chống tham nhũng; khắc phục tình trạng chênh lệch giàu nghèo – có thể vượt quá khả năng của một chính quyền tuy được đa số dân chúng ủng hộ nhưng thiếu cơ sở quyền lực từ tầng lớp thượng lưu vốn là gốc rễ của nền chính trị truyền thống Philippines.

Sau 90 ngày cầm quyền, hơn 3,000 người Philippines bị tình nghi buôn bán hoặc sử dụng ma túy đã bị giết chết không qua xét xử. Ông Duterte đã phải gia hạn thêm 6 tháng so với hứa hẹn để bình định tình hình ma túy. Sức ép quốc tế có thể cô lập Philippines. Bất ổn chính trị do chiến dịch chống ma túy gây ra đang làm cho giới đầu tư nước ngoài xa lánh, gây tổn hại cho nền kinh tế Philippines vốn đạt tốc độ tăng trưởng cao 7,5% năm ngoái.

Chống tham nhũng chưa thể có kết quả cụ thể vì đòi hỏi điều tra, xét xử dài dài.

Chống nghèo đói cho 23% dân số và cải thiện hạ tầng cơ sở đều cần nhiều tiền.

“Mỹ không có tiền, chỉ có Trung Quốc có tiền” – đó là quan điểm công khai của ông Duterte.

Nhưng liệu Trung Quốc có thể cấp cho chính quyền Philippines một “phao cứu sinh” kinh tế? Thực tế cho thấy, Trung Quốc chỉ rót tiền một cách đáng kể cho các đồng minh tuyệt đối nghe lời và đáng tin cậy. Mấy năm qua, đạt tới các chuẩn mực này mới chỉ có 1 nước ở Đông Nam Á, 1 nước ở Nam Á và 1 nước ở Nam Mỹ. Nếu chính quyền Philippines chưa đạt được chuẩn mực ấy, Bắc Kinh có thể đầu tư nhỏ giọt để duy trì quan hệ hữu nghị.

Tại Manila, Đại sứ Trung Quốc hoạt động rất tích cực. Ở cấp cao, đã có hai cuộc gặp: Tại Hong Kong giữa cựu Tổng thống Fidel Ramos, Đặc phái viên Tổng thống Philippines, với đại diện cấp cao của Bắc Kinh; tại Viên Chăn, giữa Tổng thống Duterte với Thủ tướng Lý Khắc Cường. Phía Philippines có thể đã nhận được các điều kiện Bắc Kinh đưa ra nếu Philippines muốn cải thiện quan hệ tốt với Trung Quốc.

Các điều kiện tối đa mà Bắc Kinh muốn, có thể là 3 vấn đề chính: Đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Philippines; vô hiệu hóa phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) La Hay về Biển Đông; không chống lại hoặc hợp tác với chính sách Biển Đông của Trung Quốc.

Tổng thống Duterte có cảm tình rất tốt đẹp với Việt Nam. Thời sinh viên ông từng xuống đường phản đối Chiến tranh Việt Nam. Ông cho biết một nguyện vọng mà ông từng ấp ủ là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ hai Tổng thống Duterte thăm chính thức sau khi lên nhậm chức.

Nhưng dưới sức ép của tình hình nội trị Philippines và từ phía Trung Quốc, các thỏa hiệp của Philippines nhiều khả năng sẽ không có lợi cho Việt Nam và việc giải quyết cuộc xung đột Biển Đông.

Tuy nhiên, một nền ngoại giao thực dụng và chính trị thực tiễn mà chính giới Philippines rất thành thạo có thể đem lại một kịch bản trung dung cho những vấn đề đang đặt ra cho Philippines. Ba tháng vẫn là một thời gian quá ngắn. Từ từ mọi việc sẽ rõ./.

Người bình luận

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bien-dong-co-bi-hy-sinh-trong-mot-thoa-hiep-phitrung-213404.html