Thơ nở hoa trong vườn thi sĩ

Thơ vốn cần cho tâm hồn người lành lặn để nuôi dưỡng tình yêu không khuyết tật. Vậy những người khuyết tật làm thơ thì sao? Hình như cháy bỏng hơn, khát khao hơn. Đó là điều dễ nhận thấy trong hai thi phẩm mới của Vương Chi Lan và Phạm Thanh Tùng sẽ ra mắt sáng 29.9.

Cây bút thơ Vương Chi Lan

Cây bút thơ Vương Chi Lan

Buổi giới thiệu tác phẩm mới Nắng nghiêng mùa, Lặng rơi của hai tác giả được tổ chức tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (28 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM).

Khi biết địa điểm, ban đầu có thể làm nhiều người bất ngờ nhưng câu trả lời lại đánh thức tình yêu và lòng trắc ẩn những tâm hồn yêu thơ đó là hai bạn trẻ đều là nạn nhân hay di chứng của chiến tranh.

Vương Chi Lan không lành lặn với đôi tay tật nguyền, còn Phạm Thanh Tùng bại liệt từ nhỏ. Chiến tranh Việt Nam ngỡ đã khép lại, đã qua đi rất lâu nhưng nỗi đau âm ỉ hàng ngày vẫn còn. Nó thảng thốt, vụt hiện ám ảnh trong từng số phận. Từ góc độ nào đó thơ là mảnh vỡ khó hàn gắn của tiến trình lịch sử oanh liệt nhưng đầy nước mắt và bi tráng của dân tộc.

Bìa tập thơ "Nắng nghiêng mùa" - Nxb Hội Nhà văn 9.2017 - của cây bút Vương Chi Lan

Tôi nghĩ từ phía của hậu chứng chiến tranh, thơ của các bạn trẻ này không phải trò chơi vô tăm tích, làm dáng mà các bạn đã lớn lên với sự nâng đỡ của những câu thơ. Nói không quá, thơ ca như thuốc đặc trị, như cứu cánh đời sống tâm hồn. Và những tập thơ như ghi dấu một hành trình vươn lên đầy dũng cảm, nghị lực mà không phải bạn trẻ nào cũng đi tới được như thế, để hạnh phúc như thế!

Tôi có một thời gian cùng làm việc chung với Vương Chi Lan ở tạp chí Duyên Dáng Việt Nam. Phải nói, khi nhà văn, nhà báo Từ Kế Tường phụ trách Tổng thư ký tòa soạn tờ báo này, anh đã tạo cơ hội cho Lan về làm việc, phát huy năng lực của mình. Em cũng làm trò vai trò một biên tập đọc bài vở, gắn kết cộng tác viên đầy nghị lực, đáng khích lệ. Giai đoạn này em cũng bất ngờ ra tập thơ Tất cả sẽ qua đi như một niềm an ủi bước qua những thử thách trầm kha mà hiển nhiên của cuộc sống.

Sau đó em tiếp tục đi tới bằng cách tạm dừng mọi công việc để nỗ lực tiếp tục đi học, tốt nghiệp thêm văn bằng Văn chương - Ngữ văn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, khẳng định giá trị học lực chính mình. Thật khâm phục sự bền bỉ vượt khó của một tâm hồn chưa bao giờ chấp nhận mình là người khuyết tật.

Cây bút thơ trẻ Vương Chi Lan (thứ 2, từ trái qua) trong lễ bế mạc Lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chừc tại Hà Nội tháng 7.2017

Sau đó Vương Chi Lan còn "lặn lội" một mình vượt khó ra Hà Nội để tham gia và hoàn thành chứng chỉ khóa học bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Tập thơ Nắng nghiêng mùa mới nhất của em giới thiệu lần này là một bước chuyển sâu hơn về thơ. Như một bài đầy cảm xúc viết về Mẹ.

Ngày qua nắng rụng thềm tranh

Đâu rồi hạt ngọc long lanh trong đời

Bước cao bước thấp chơi vơi

Bâng khuâng trong dạ những lơi mẹ ru…

Mẹ như chiếc lá mùa thu

Trăng vàng lấm tấm sương mù lưa thưa

Con vừa rời khúc nôi đưa

Mẹ nương cánh hạc, cũng vừa bay xa

Bơ vơ dưới mái hiên nhà

Vọng nghe tiếng cuốc xa xa trong rừng

Gừng cay muối mặn đã từng

Chiều nay lá rụng bâng khuâng thềm đời.

(thơ Vương Chi Lan)

Cây bút Phạm Thanh Tùng

Với cây bút Phạm Thanh Tùng, tôi nghĩ chỉ cần nhìn tấm hình mà báo điện tử Một Thế Giới giới thiệu trên đây chắc bạn yêu thơ đã thấy xúc động.

Sinh ra anh đã mang di chứng tật nguyền như thế! Nhưng tình yêu thơ đã cân bằng giúp anh có tình yêu cuộc sống. Phải luôn nỗ lực để phấn đấu sống một cuộc đời có ích. Anh đã cố gắng học sử dụng máy tính bằng chân để làm những bài thơ.

Tập thơ Lặng rơi cũng chính là những mảnh rơi phiêu phóng được góp nhặt từ tâm hồn anh.

Lặng rơi - Tập thơ của Phạm Thanh Tùng

Như một lời tâm tình, một nhận định của bạn đọc, tập thơ Lặng rơi (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 7.2017) còn là tấm gương phản chiếu đời sống cho chính anh - Phạm Thanh Tùng, gửi gắm đến bạn bè và nhiều độc giả khác... Đó là những câu thơ hát về nghị lực, tinh thần sống, sự lạc quan và yêu đời, yêu người làm niềm vui, niềm hy vọng, cho dù những điều mong manh, trong vắt đến tận đáy nhưng khó chạm đến được. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ Nghĩ về em đầy vương vấn thổn thức:

… Cuộc sống anh có thể là sống vội

Bởi trong người mang bệnh tật không thôi

Anh không biết ngày nào là cuối đời

Em yêu hỡi! Chắc chẳng còn xa nữa!...

(thơ Phạm Thanh Tùng)

Vâng, thơ chính là thế! Mong manh, sâu thẳm, buồn lo, hy vọng. Chúng ta vẫn hay thầm hỏi nhau về ý nghĩa cuộc sống, về đường chân trời... Nhưng có ai biết rõ tường tận đường chân trời trải dài bao xa và mỗi bản thể sẽ đi đến đâu?

Vì thế chỉ biết hát lên bằng những câu thơ. Bằng cách sống đẹp!

Thơ đôi khi chỉ là những cơn mưa che khuất đường chân trời mà mỗi chúng ta cứ ngỡ đã nhìn thấy mà thôi!

Sài Gòn, 27.9.2017.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/van-hoc-nghe-thuat-c-129/tho-no-hoa-trong-vuon-thi-si-72386.html