Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, Mỹ tung đòn trả đũa cực gắt

Mỹ đã chơi 'đòn độc' khi quyết định bán số máy bay chiến đấu tàng hình F-35 vốn để dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho chính đối thủ của họ là Hy Lạp; nhằm trả đũa việc nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bay tới Thủ đô Athens của Hy Lạp để thảo luận về vấn đề này. Mỹ đang có kế hoạch bán cho Hy Lạp 20 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35A. Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Hy Lạp ngày 28-29/9/2020 - Nguồn: AP.

Điều trớ trêu là 6 chiếc trong số F-35 trên là số máy bay Mỹ từng dự định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra Hy Lạp cũng sẽ mua 6 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-35 - Nguồn: Wikipedia.

Lý do cho sự thay đổi lập trường của Mỹ được cho là do cuộc tập trận quân sự mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, đã sử dụng hệ thống phòng không tầm xa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mới mua của Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét chuyển căn cứ quân sự Incirlik của họ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang đảo Crete. Ảnh: Máy bay vận tải quân sự C-5 Galaxy của Không quân Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân Incirlik Thổ Nhĩ Kỳ - Nguồn: Reuters

Hồi đầu tháng 10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả nghiêm trọng, nếu nước này triển khai các tổ hợp S-400 của Nga. Theo bà Ortagus, Washington hy vọng rằng các tổ hợp này sẽ không được sử dụng. Ảnh: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus - Nguồn: Sina

Cuộc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngày 16/10. Trong quá trình thử nghiệm, 3 tên lửa đã được phóng đi thành công và tiêu diệt 3 mục tiêu. Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng UAV Banshee do Anh sản xuất, để làm mục tiêu thử nghiệm cho hệ thống S-400 Triumph bắn tập. Ảnh: Hình ảnh được cho là Thổ Nhĩ Kỳ bắn thử hệ thống phòng không S-400 - Nguồn: Sina

Trước những phản ứng gay gắt của NATO và Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm các hệ thống phòng không S-400 tại thị trấn Sinop trên Biển Đen, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng, Ankara sẽ không tổ chức bất kỳ cuộc tham vấn nào với Mỹ về các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng không. Ảnh: S-400 khai hỏa trong cuộc tập trận quân sự Caucasus-2020 - Nguồn: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, Quân đội nước này không chỉ bắn thử tên lửa của hệ thống S-400, mà còn chuẩn bị triển khai chúng để bảo vệ không phận nước này. Tuy nhiên ông nhấn mạnh: "Việc mua và kiểm tra theo kế hoạch hệ thống phòng không S-400, không có nghĩa là quốc gia này đang xa lánh NATO". Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar - Nguồn: Wikipedia.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, việc mua tên lửa S-400 không làm trái nghĩa vụ của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một thành viên của liên minh và yêu cầu NATO tìm ra một giải pháp thay thế, thay vì chỉ trích thỏa thuận này. Ảnh: Các bộ phận của S-400 do Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12.2019 - Nguồn: REUTERS

Moscow và Ankara đã ký một thỏa thuận cho vay để mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 vào tháng 12/2017; năm 2019, một số tổ hợp S-400, nằm trong hợp đồng có trị giá 2,5 tỷ USD đã được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hệ thống phòng không S-400 của Nga được giới thiệu tại một diễn đàn quân sự ở ngoại ô thủ đô Moskva - Nguồn: Topwar

Thỏa thuận này đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Washington, vì Mỹ cho rằng S-400 không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh của NATO và có thể ảnh hưởng đến chương trình tiêm kích tàng hình F-35. Ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất - Nguồn: Topwar

Để cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ thậm chí đã đình chỉ Ankara khỏi dự án và cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ có thể bị loại trừ hoàn toàn khỏi dự án này; nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối phá vỡ thỏa thuận với Moscow và tuyên bố sẽ kích hoạt hệ thống S-400, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ - Nguồn: Wikipedia.

Việc Mỹ tuyên bố bán máy bay chiến đấu F-35A cho Hy Lạp trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Athens và Ankara, đặc biệt là về quyền thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, nơi mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hy Lạp - Nguồn: Wikipedia.

Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, luôn tranh cãi về hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ, tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải trong thời gian qua. Cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải, khiến tranh chấp giữa đôi bên có nguy cơ leo thang thành đối đầu. Ảnh: Tàu khảo sát Oruc Reis được các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống - Nguồn: AFP

Nhìn lại lịch sử, tranh chấp ở vùng biển ở phía đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài từ năm 1973 đến nay. Trong những năm qua, xung đột vẫn thường xuyên diễn ra giữa hai nước, đặc biệt số vụ “đụng độ” tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2013, khiến cho khu vực này trở thành 1 trong 7 “điểm nóng” trên biển của thế giới. Ảnh: Tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò dầu khí tại vùng biển Đông Địa Trung Hải - Nguồn: Ảnh: Greek City Times.

Video Cảnh đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công tại Syria - Nguồn: Vietnam+

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tho-nhi-ky-mua-s-400-cua-nga-my-tung-don-tra-dua-cuc-gat-1455673.html