Thổ Nhĩ Kỳ gấp rút đóng tàu sân bay để thống trị Biển Đen

Với tiềm lực quân sự và kinh tế hiện nay, việc đóng tàu sân bay đích thực theo đánh giá nằm trong tầm tay Thổ Nhĩ Kỳ.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã trình bày ý tưởng về một tàu sân bay thế hệ mới, dự kiến sẽ được sử dụng làm căn cứ cho cả máy bay không người lái và có người lái.

Thông tin nói trên được đăng tải bởi ấn phẩm TurDef, theo giới thiệu, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ bổ sung cho tàu đổ bộ tấn công TCG Anadolu, đã được đóng và biên chế cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Được biết lượng giãn nước của tàu sân bay nói trên sẽ vào khoảng 60.000 tấn, giúp có thể lắp đặt máy phóng điện từ, rõ ràng đây là một hàng không mẫu hạm đích thực, kích cỡ thuộc dạng trung bình trên thế giới.

Mặc dù vậy, những hình ảnh được công bố cho thấy con tàu vẫn sử dụng đường cất cánh kiểu nhảy cầu, điều này mang lại giá thành rẻ hơn nhưng không kém phần hiệu quả đối với máy bay cỡ nhỏ.

Chiếc tàu sân bay tương lai của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có chiều dài 285 mét, dài hơn hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh chỉ 1 mét. Đồng thời, chiều rộng của nó là 72 mét, kém 1 mét so với đối tượng mang ra so sánh ở trên.

Hệ thống động lực của con tàu sẽ bao gồm bốn turbine khí LM2500, thiết bị này cũng được sử dụng trên các tàu chiến cỡ lớn khác của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ khi chứng minh rõ sức mạnh và độ tin cậy.

Ngoài phi đội máy bay đảm nhận vai trò tấn công tầm xa, vũ khí phòng thủ của con tàu bao gồm 4 khẩu pháo tự động GOKDENIZ cỡ 35 mm do công ty ASELSAN chế tạo để bảo vệ trực tiếp ở cự ly gần.

Bên cạnh đó, đáng chú ý nhất là 32 ống phóng thuộc của hệ thống phóng thẳng đứng MIDLAS lắp đặt ở mạn phải của con tàu, tương thích với nhiều loại tên lửa phòng không và đối đất khác nhau.

Hiện tại vẫn chưa biết chính xác trạm radar nào sẽ được lắp đặt trên tàu sân bay tương lai của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng xét theo các bức ảnh, đó có thể là loại CAFRAD, tương tự khí tài lắp trên tàu khu trục TF-2000.

Trước đó báo chí quốc tế đưa tin, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã "bật đèn xanh" cho việc chế tạo một tàu sân bay và 4 tàu khu trục lớp Istanbul bổ sung nhằm tạo ra biên đội tác chiến đầy đủ trong tương lai.

Dự án tàu khu trục Istanbul là một sản phẩm từ chương trình MILGEM. Nhìn chung, Istanbul chính là phiên bản phóng to của lớp Ada với việc được trang bị nhiều vũ khí hơn và khả năng tác chiến cao hơn

Thông số kỹ thuật tàu khu trục lớp Istanbul bao gồm chiều dài 113,2 m, chiều rộng 14,4 m, lượng giãn nước đầy tải 3.000 tấn. Tốc độ tối đa 29 hải lý/h và tầm hoạt động 5.700 hải lý với vận tốc kinh tế, thủy thủ đoàn 123 người.

Vũ khí của tàu bao gồm 1 hải pháo Otto Melara 76 mm, 16 ống phóng tên lửa thẳng đứng đa năng, 16 tên lửa hành trình chống hạm Atmaca, 2 pháo cao tốc 25 mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần và bệ phóng ngư lôi chống ngầm. Ngoài ra còn có sàn đáp cho máy bay trực thăng.

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng nước này đang trở thành một quốc gia có thể cung cấp những vũ khí tối tân, cả trên mặt đất và trên biển cho bản thân cũng như các quốc gia thân thiện với họ. Khẳng định bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tho-nhi-ky-gap-rut-dong-tau-san-bay-de-thong-tri-bien-den-post574809.antd