Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước cơ hội trở thành trung tâm khí đốt lớn nhất châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước cơ hội thay thế Đức để trở thành trung tâm khí đốt lớn nhất cung cấp cho toàn châu Âu.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trở thành trung tâm khí đốt lớn nhất đối với châu Âu đang ngày càng trở nên hiện hữu nhờ tuyến đường ống cung cấp Turk Stream đã đi vào hoạt động.

Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã gây chú ý khi đề xuất sử dụng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) để thay thế cho Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) đã bị phá nổ.

"Đối với khối lượng khí đốt bị ngừng qua Dòng chảy phương Bắc, dọc theo đáy Biển Baltic, chúng tôi có thể kết nối tạo ra một tuyến đường ống mới phục vụ việc cung cấp nhiên liệu".

"Như thế khí đốt tự nhiên của chúng tôi đến với những khách hàng thuộc Liên minh châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó thiết lập tại quốc gia này một trung tâm khí đốt lớn nhất trong khu vực", Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ lúc này có thể thay thế Đức chiếm vị trí đặc biệt trong chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên cho người tiêu dùng châu Âu. Ông Putin nhắc lại cùng với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, khí đốt được cung cấp cho đất nước này còn thông qua Dòng chảy Xanh.

Không dừng lại đây, Moskva cũng đã có kế hoạch khởi công xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia-2 và sự tiếp nối của nó ở Mông Cổ - đó chính là tuyến đường ống dẫn khí đốt Soyuz - Vostok.

Tại sự kiện, nhà lãnh đạo Liên bang Nga cũng phát biểu về cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm rung chuyển các nước châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới, coi đây là một điều đáng tiếc mà lẽ ra không nên để xảy ra.

Theo ông Putin, vụ phá hoại đường ống Nord Stream nhằm mục đích làm gián đoạn mối quan hệ năng lượng giữa Nga và Cựu thế giới. Moskva có thể sửa chữa đường ống, nhưng việc làm này chỉ có ý nghĩa nếu chúng tiếp tục hoạt động.

Về phần mình, Liên bang Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu, và việc thiếu nhiên liệu không liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mà xuất phát từ hành động của các "đối tác" châu Âu.

Trong khi đó, người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga - ông Alexei Miller nói rằng toàn bộ các thành phố ở châu Âu có thể bị đóng băng trong mùa Đông này do tình trạng thiếu nhiên liệu.

Ví dụ như Đức chỉ có khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt, trong kho dự trữ, khối lượng trên đủ dùng trong 2 - 3 tháng. Trong khi đó, để cung cấp đầy đủ khí đốt trong giai đoạn Thu - Đông, họ cần khoảng 60 tỷ mét khối nhiên liệu.

Ông Miller cũng lưu ý những lợi thế của việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ: Các luồng khí đốt qua đây được xây dựng dễ dàng hơn và rẻ hơn, và chúng sẽ đi qua những khu kinh tế chỉ của hai quốc gia - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù vậy, việc hợp tác năng lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối diện không ít thách thức, khi Mỹ và châu Âu đang xây dựng một số kịch bản trừng phạt bất cứ quốc gia nào tiếp tục hợp tác với Moskva trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Hơn nữa, "chính sách đường dài" của Liên minh châu Âu đó là giảm dần rồi tiến tới ngừng hẳn việc phục thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, do vậy không dễ để toan tính của ông Putin với Thổ Nhĩ Kỳ trở thành hiện thực.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tho-nhi-ky-dung-truoc-co-hoi-tro-thanh-trung-tam-khi-dot-lon-nhat-chau-au-post519799.antd