Thợ cạo Hà thành hơn nửa thế kỷ với những kiểu đầu 'thiên biến vạn hóa'

Tay kéo thoăn thoắt, khó ai tin ông Đặng Văn Tiến đã 87 tuổi. Làm nghề cắt tóc đã hơn nửa thế kỷ, ở quá độ tuổi "xưa nay hiếm", đến nay ông Tiến vẫn cần mẫn, chăm chỉ bám nghề tại ngõ 131A, phố Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội.

Anh Lại Văn Minh từ Sài Gòn ra đang được ông Tiến nắn nót cho kiểu tóc thời trang anh ưa thích

Tiệm hớt tóc của ông Tiến khá lụp xụp, nằm ngay đầu ngõ hẹp của con phố Yên Phụ tấp nập. Bàn ghế, bồn rửa... đều cũ kỹ, mốc meo. Tài sản giá trị nhất của tiệm chỉ là chiếc quạt máy.

Tiệm mở cửa từ 8 giờ sáng cho tới 5 giờ chiều, khách đến "nộp đầu" cho ông thôi thì đủ mọi thành phần, già có, thanh niên choai choai cũng có. Đa số là khách quen. Ngày nào đông khách, tiệm hớt tóc của ông Tiến đón khoảng hơn chục người...

Đầu bạc trắng, chân để trần, bàn tay nhăn nheo, ông Tiến thoăn thoắt tay lúc kéo lúc lược. Vừa hớt tóc cho khách, ông vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.

Ông cười móm mém, tự hào: "Tôi sinh năm 1930. Đã 87 tuổi, vẫn còn ngon phết! Tất cả là nhờ trời cho thôi. Nhiều bạn bè cùng trang lứa của tôi, có người đã nằm một chỗ cho con cháu chăm sóc, có không ít người từ lâu đã chấm hết một kiếp nhân sinh".

Ông Tiến chỉ thích để chân đất, thoăn thoắt tay kéo, thiết kế kiểu tóc cho khách - Ảnh: Dương Cầm

Ông Tiến kể về nghề hớt tóc mà ông theo đuổi hơn 65 năm qua, từ thuở đầu còn xanh: "Lúc còn thanh niên trai tráng, ban đầu tôi là thợ hàn xì trong một nhà máy của Pháp. Đến năm 20 tuổi, bố tôi truyền lại cho tôi nghề hớt tóc. Tôi thấy nghề này sống được, đủ nuôi sống vợ con... Tôi theo nghề này từ thời Pháp thuộc cơ đấy".

"Thời Hà Nội mới giải phóng, tôi làm nghề hớt tóc tại một cửa hàng mậu dịch của nhà nước, có cả thảy 15 ông thợ, cũng tại con phố Yên Phụ này. Kiểu tóc khó hớt nhất là kiểu húi cua, còn lịch lãm nhất là kiểu tóc Pháp. Khách vào đây thường yêu cầu tôi hớt cho họ kiểu Pháp, nhưng tùy theo khuôn mặt mà tôi khuyên họ hớt kiểu phù hợp", ông Tiến thủ thỉ kể.

Lấy vợ từ năm 19 tuổi, ông có cả thảy 6 người con (3 trai, 3 gái). Ngày trước, người vợ hiền của ông làm nghề đánh cá cho nhà nước ở hồ Tây, ăn chia theo số lượng cá đánh bắt được. Bà vừa mất năm ngoái, hưởng thọ 85 tuổi.

"Tôi có cả thảy khoảng 50 con cái, cháu chắt. Đứa nào cũng có nghề nghiệp ổn định. Tính tôi thích tự làm tự ăn, không phụ thuộc con cháu. Lúc bà nhà tôi còn sống thì hai vợ chồng cùng làm, cùng ăn..., bây giờ tôi tự làm và ăn một mình", ông cười hóm hỉnh.

Ông Tiến đang thay dao cạo cho khách trong một không gian bề bộn, cũ kỹ - Ảnh: Dương Cầm

Gần tuổi cửu thập, cuộc đời ông Tiến gắn liền với thành phố Hà Nội từ thời còn bị Pháp chiếm đóng đến giờ. Ông là nhân chứng sống về những ngày thủ đô Hà Nội thay da, đổi thịt trong thời bình.

Ông Tiến vẫn còn nhớ rõ những ngày đất nước nhiều khó khăn, lương thực thiếu hụt phải ăn độn sắn thay cơm, người Hà Nội sơ tán khỏi đạn bom trong "12 ngày đêm" lịch sử tháng 12.1972. Ông Tiến cười, hồi tưởng: "Khổ lắm. Nồi cơm chỉ có một nắm gạo nhỏ, còn lại là hạt bo bo và sắn. Vậy mà cả nhà vẫn phải nhường nhịn nhau ăn. Những ngày đạn bom, vợ con tôi đi sơ tán, còn tôi, như những thanh niên khác vẫn bám trụ thủ đô làm quân tự vệ".

Tiệm hớt tóc bình dân của lão ông Đặng Văn Tiến. Ảnh: Dương Cầm

Ông khoe, ở từng tuổi này, cách đây 41 năm, ông được vào Sài Gòn 1 lần. Lý do vào Nam của ông rất đặc biệt và xúc động. Người con thứ 2 của ông đi bộ đội chiến đấu trong Nam. Năm 1975, đất nước thống nhất, con ông bặt tin. Ông cứ nghĩ con trai mình đã hy sinh. Cho đến một ngày, ông nhận được thông báo anh ấy vẫn còn sống và đang làm việc tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Ông nói: "Tôi mừng quá, bay ngay vào trong đó gặp con trai. Nhờ như vậy, tôi mới được dịp vào Sài Gòn, biết Sài Gòn, chứ không thì quanh năm chỉ loanh qoanh ở Hà Nội".

Ở độ tuổi đã gần 90 nhưng tay kéo của ông Tiến vẫn được nhiều khách hàng ưa thích - Ảnh: Dương Cầm

Mỗi người khách, ông Tiến dành khoảng 30 phút là có ngay một mái tóc đẹp. Tiền công 30 ngàn đồng, một mức giá khá bình dân so với giá cả dịch vụ Hà Nội đắt đỏ.

Anh Lại Văn Minh, một bạn trẻ từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác cười vui với "kiểu tóc Pháp" lạ mắt vừa được ông Tiến tạo cho: "Lúc đầu thấy bác Tiến già quá, dáng người lụm khụm, tôi cũng không yên tâm. Tôi nghĩ bác không thể hớt được những kiểu tóc thời trang. Sau khi bác Tiến hớt xong, tôi rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ một cụ già gần 90 tuổi mà vẫn làm việc nhanh nhẹn và có thể thiết kế ra những kiểu tóc đẹp thế này".

Dương Cầm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-c-96/tho-cao-ha-thanh-hon-nua-the-ky-voi-nhung-kieu-dau-thien-bien-van-hoa-44743.html