Thịt cóc bổ đến đâu, tại sao dễ gây chết người?

Thịt cóc giàu đạm và kẽm nhưng lượng canxi và vitamin D được xem như bằng không. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Người dân không nên mạo hiểm tính mạng để ăn thịt cóc vì nghĩ là bổ cho sức khỏe.

Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Người dân không nên mạo hiểm tính mạng ăn thịt cóc vì nghĩ là bổ cho sức khỏe. Ảnh minh họa từ INT

Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Người dân không nên mạo hiểm tính mạng ăn thịt cóc vì nghĩ là bổ cho sức khỏe. Ảnh minh họa từ INT

3 trẻ rủ nhau ăn thịt cóc, 2 trẻ tử vong

Theo TTXVN, vào khoảng 10 giờ ngày 11/1, 3 cháu nhỏ gồm Siu N. (11 tuổi), Siu H. (4 tuổi) và Siu Th. (5 tuổi), cùng trú tại thôn Tao Roong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai rủ nhau làm thịt cóc để ăn. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, người nhà phát hiện các cháu nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ nên đưa vào viện.

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, cả ba cháu nhỏ được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cứu chữa. Tại đây, các bác sỹ xác định Siu N. đã ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn tối đa, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Qua 30 phút hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân đã tử vong.

Ngày 12/1, Thạc sỹ, bác sỹ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của cháu Siu Th. đã ổn định, qua cơn nguy kịch, còn cháu Siu H. tử vong ngay khi vừa đến cổng bệnh viện.

Trước đó, tháng 10/2023, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiếp nhận cùng lúc 3 mẹ con ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ trong tình trạng mệt lả, buồn nôn, nôn ói liên tục do ăn thịt cóc.

Người mẹ cho biết, nghe nói thịt cóc bổ dưỡng, nên chị đã bắt cóc, chế biến cho con ăn.

Trong quá trình chế biến, chị đã lột bỏ da cóc, bỏ nội tạng nhưng giữ lại trứng. 2 con ăn món cóc chiên, chị ăn món trứng cóc chiên khoảng 30 phút thì thấy nôn nao, buồn nôn, nôn ói nên được đưa ngay đến trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Bác sĩ điều trị cho biết, may mắn do ăn lượng ít và vào viện ngay khi có biểu hiện, nên cả 3 mẹ con bệnh nhân đều chưa ảnh hưởng đến cơ quan tim mạch, thần kinh.

Thịt cóc có nhiều chất dinh dưỡng không?

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng, thịt cóc giàu đạm và kẽm. Cụ thể, trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm.

So sánh với thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp trẻ ăn tốt thì cũng cung cấp chất đạm cho trẻ không kém so với thịt cóc. Bên cạnh đó, lượng kẽm trong cóc không sánh được với các loại hải sản như sò, hến, hàu.

Nhiều người quan niệm, cho trẻ ăn thịt cóc để chữa chứng biếng ăn, còi xương. Tuy nhiên, lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc được xem như bằng không, do đó, không thể giúp trẻ phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được.

Một khi độc tố của cóc - trong quá trình chế biến không an toàn, bị dính sang thịt cóc, độc tố sẽ không mất đi cho dù thịt cóc đã được nấu sôi hay hầm chín. Ảnh minh họa từ INT

Một khi độc tố của cóc - trong quá trình chế biến không an toàn, bị dính sang thịt cóc, độc tố sẽ không mất đi cho dù thịt cóc đã được nấu sôi hay hầm chín. Ảnh minh họa từ INT

Mủ cóc dính vào thức ăn có thể gây chết người

Ở gan, trứng, da, mủ cóc (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của con cóc chứa rất nhiều bufotoxin – một chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.

Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4 – 5 người khỏe mạnh. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin, giống như chất độc ở cá nóc và nhiều chất độc khác làm co mạch máu, tăng huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm...

Tỷ lệ gây ra tử vong của loại độc chất này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện (như trường hợp trẻ ngộ độc kể trên).

Đặc biệt, độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân hủy. Do vậy, một khi độc tố của cóc - trong quá trình chế biến không an toàn, bị dính sang thịt cóc, độc tố sẽ không mất đi cho dù thịt cóc đã được nấu sôi hay hầm chín.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ kiếm, dễ mua, giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt cóc, lại bảo đảm sức khỏe và an toàn tính mạng cho người sử dụng. Nếu muốn sử dụng loại thực phẩm này, cần dùng những sản phẩm được chế biến từ thịt cóc có chứng nhận của Bộ Y tế để đảm bảo thịt cóc không có chứa độc tố.

Triệu chứng và cách xử trí khi bị ngộ độc thịt cóc

Dù được cảnh báo hoặc thiếu thông tin, nhiều người vẫn dùng thịt cóc như một cách để bổ sung chất dinh dưỡng, chữa bệnh còi xương ở trẻ nhỏ. Ngộ độc thịt cóc đã xảy ra ở nhiều vùng miền trên cả nước, từ trẻ em đến người già, từ nhẹ đến tử vong…

Hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải con cóc. Nhưng khi chất nhầy bài tiết của cóc dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng… có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng.

Nguy hiểm nhất là khi độc chất này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải) dễ gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.

Triệu chứng ngộ độc thịt cóc thường xảy ra sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc có thể sớm hơn (15 – 30 phút) nếu nạn nhân là trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng hoặc là người lớn có uống rượu, bia. Triệu chứng bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân; tiếp đến là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp. Tiếp sau đó, các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim… Cuối cùng nạn nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ.

Do đó, khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng… nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc ngay lập tức nhiều lần bằng nước sạch.

Trong trường hợp ngộ độc thịt cóc qua đường tiêu hóa (ăn phải), nên kích thích cho trẻ ói mửa ra thực phẩm. Đồng thời, cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thit-coc-bo-den-dau-tai-sao-de-gay-chet-nguoi-179240112135739367.htm