Thịt “bẩn” vẫn vào thành phố

KTĐT - Những con lợn được giết mổ ngay dưới sàn vương vãi da, lông, nước thải trong khi thợ giết mổ dùng chân đi ủng để rửa… lợn mới mổ.

Sau đó được chất vắt vẻo 5 - 6 con trên một chiếc xe máy đi vào nội thành mà không có một thiết bị chuyên chở. Đó là thực trạng ở nhiều cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện nay.

Chưa đảm bảo vệ sinh

Rạng sáng ngày 17/4, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố tổ chức kiểm tra một số CSGM, buôn bán gia súc và chợ dân sinh trên địa bàn thành phố. Hơn 1 giờ sáng, đoàn đến CSGM Minh Hiền tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai đúng vào giờ giết mổ cao điểm. Trái ngược với không gian sạch sẽ, hiện đại của dây chuyền giết mổ hiện đại trong Công ty TNHH chế biến thực phẩm Minh Hiền, ở khu vực bên ngoài, các gian hàng của hộ giết mổ thủ công đều rất mất vệ sinh. Lợn được chọc tiết, làm lông ngay trên sàn gạch lênh láng nước, lông, tiết...

Tương tự, tại CSGM Vinh Anh, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm công suất mổ 100 - 200 con/ngày, cảnh tượng còn đáng sợ hơn. Với diện tích khoảng 200m2², hàng chục con lợn sống được nhốt chung ngay nơi giết mổ, nước xả tắm lợn chảy qua, thấm vào những con lợn đã được mổ. Thậm chí, thợ giết mổ còn dùng chân đi ủng giẫm trực tiếp lên mình lợn để… rửa. Mùi hôi thối bốc lên khó chịu. Ngay cả điểm giết mổ xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, nơi tập trung 24 hộ giết mổ, chủ yếu từ lò mổ Thịnh Liệt về, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng còn hạn chế. Đặc biệt, hầu hết lợn thịt xong được chở trên xe máy, không được bao bọc, chân quết đất chạy vào thành phố rồi ra các sạp bán lẻ.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, vấn đề giết mổ của thành phố hiện còn nhiều bất cập. Sở Công Thương đã quy hoạch 11 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhưng hiện vẫn chưa đưa vào hoạt động. Đa số những hộ dân, doanh nghiệp tổ chức giết mổ ở ngoại thành chưa đảm bảo điều kiện, chưa đồng bộ giữa giết mổ móc treo với đóng dấu và có xe chuyên dùng vận chuyển tới nơi tiêu thụ.

Tha thiết "xin" hỗ trợ

Một nghịch lý hiện nay là trong khi các CSGM được đầu tư hiện đại "vắng bóng" người đến giết mổ thì các lò mổ thủ công luôn tấp nập. Đơn cử như Công ty TNHH chế biến thực phẩm Minh Hiền đầu tư gần 70 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền công nghệ với công suất giết mổ 600 - 1.000 con/ngày nhưng hiện nay mới chỉ đạt được 10% công suất. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc công ty, nguyên nhân là do tập tục giết mổ thủ công đã ăn sâu vào nhiều hộ dân làm nghề. Cùng với đó, chi phí giết mổ cao hơn cách làm thủ công tới 50 - 60%. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ban đầu để thu hút các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở tập trung, hiện đại, dần dần thay đổi tập quán sản xuất. Thông tin đại chúng quảng bá về ATVSTP, so sánh giữa mổ công nghiệp và thủ công để người dân nhận thức được, có biện pháp kiên quyết như đội mũ bảo hiểm mới thực hiện được.

Cùng với đó, hiện thành phố đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút tư nhân xây dựng CSGM tập trung. Tuy nhiên, đại diện nhiều CSGM đều kiến nghị, thành phố phải có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bởi đầu tư thiết bị cho CSGM hiện đại tốn hàng chục tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ đề xuất thành phố có các chính sách hỗ trợ cho CSGM, đặc biệt là các vấn đề đất đai, hạ tầng cho cơ sở giết mổ, phương tiện chuyên dùng…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với thành phố Hà Nội bàn cơ chế hỗ trợ để vận dụng hết công suất của các CSGM hiện có. Đồng thời, yêu cầu Sở NN&PTNT cần làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, đảm bảo cơ sở tuân thủ quy trình kỹ thuật mới được đóng dấu cho lưu hành ra thị trường để cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hiện nay, thành phố có nhu cầu 500 - 600 tấn thịt/ngày. Tuy nhiên, tổng công suất giết mổ của các cơ sở trên địa bàn thành phố mới đáp ứng được 60% nhu cầu.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/331061/thit-ban-van-vao-thanh-pho.aspx