Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn:“Cán bộ phải nêu gương trong việc bảo đảm đủ báo chí cho chiến sĩ”

QĐND - Sau khi đọc vệt bài “Vướng mắc trong bảo đảm tiêu chuẩn báo chí ở Quân khu 4” trên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) bày tỏ sự nhất trí với những vấn đề mà bài báo đã nêu ra. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định: “Những vướng mắc trong bảo đảm tiêu chuẩn báo chí theo Thông tư 24 của Bộ Quốc phòng không chỉ xảy ra ở một số đơn vị Quân khu 4, mà còn tồn tại ở nhiều đơn vị trong toàn quân”.

QĐND - Sau khi đọc vệt bài “Vướng mắc trong bảo đảm tiêu chuẩn báo chí ở Quân khu 4” trên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) bày tỏ sự nhất trí với những vấn đề mà bài báo đã nêu ra. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định: “Những vướng mắc trong bảo đảm tiêu chuẩn báo chí theo Thông tư 24 của Bộ Quốc phòng không chỉ xảy ra ở một số đơn vị Quân khu 4, mà còn tồn tại ở nhiều đơn vị trong toàn quân”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn

PV: Thời gian qua, việc bảo đảm định mức, tiêu chuẩn báo chí theo Thông tư 24 ở khá nhiều đơn vị còn bất cập, vướng mắc là do đâu, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng, việc Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 24/TT-BQP ngày 27-5-2009 thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội được tiếp cận nhiều hơn số lượng đầu báo, tạp chí so với Quyết định 3425/QĐ-BQP trước đây. Việc một số đơn vị thực hiện không nghiêm túc Thông tư này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, đó là do quy định biên chế, tổ chức chưa thực sự thống nhất trong toàn quân và cũng có lúc, có nơi quân số biến động. Cùng là cấp tiểu đoàn, đại đội, nhưng có đơn vị đủ quân, có đơn vị ít quân, có đơn vị thiếu quân. Vì vậy, quá trình lập dự toán ngân sách bảo đảm định mức, tiêu chuẩn văn hóa tinh thần theo Thông tư 24, trong đó có kinh phí báo chí chưa thực sự sát thực tế và phù hợp với mọi loại hình đơn vị.

Nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Ở một số đơn vị, cấp ủy - chỉ huy chưa quan tâm đúng mức đến bảo đảm tiêu chuẩn báo chí của bộ đội theo quy định của Thông tư 24. Tình trạng đặt báo theo xu hướng “trên thừa, dưới thiếu” như Báo Quân đội nhân dân phản ánh diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn “cắt xén” một khoản kinh phí báo chí từ Thông tư 24 để mua báo, tờ tin nội bộ của đơn vị mình.

PV: Đồng chí có suy nghĩ gì khi một bộ phận cán bộ chỉ huy các cấp ở nhiều đơn vị vẫn thường xuyên đặt báo vượt và ngoài tiêu chuẩn?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Đây là một thực tế đáng tiếc và tôi rất trăn trở về điều này. Đến kiểm tra một số đơn vị, chúng tôi cũng đã phát hiện ra sự vô lý này và cũng đã nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm. Nhưng vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thiếu gương mẫu, tự đặt quyền lợi của mình cao hơn lợi ích của tập thể đơn vị. Có cán bộ suy nghĩ đơn giản rằng, đặt thêm một tờ báo “có đáng là bao”. Nhưng một năm có 365 ngày, nếu đơn vị nào cũng có vài ba cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, mỗi người đặt thêm một số nhật báo thì số tiền gộp lại trong năm không hề nhỏ. Đấy là tôi chưa kể đến một số cán bộ đặt thêm báo nhưng lại không mấy khi đọc tờ báo đó. Trong khi các đơn vị cơ sở và anh em chiến sĩ thiếu báo đọc mà cán bộ thừa báo lại không “để mắt” tới là một sự lãng phí rất nên tránh.

PV: Để giải quyết nghịch lý trên, theo đồng chí, vấn đề mấu chốt là gì?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Trước hết và trên hết là phải đề cao ý thức tự giác chấp hành triệt để quy định Thông tư 24 của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chỉ huy các cấp ở đơn vị. Mỗi cấp, mỗi vị trí chỉ huy đã được “tiêu chuẩn hóa” các chế độ, định mức rất rõ ràng, cụ thể nên cần phải thực hiện đúng ba-rem đó. Mặt khác, phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, ngăn ngừa, phòng chống và tiến tới khắc phục tình trạng “công tư lẫn lộn”. Nghĩa là, anh không được phép lấy kinh phí báo chí từ Thông tư 24 để mua những tờ báo, tạp chí theo sở thích, nhu cầu của mình. Làm như thế vừa sai quy định, vừa thiếu công tâm, chưa gương mẫu, không tôn trọng nhu cầu và lợi ích chính đáng của tập thể đơn vị.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng nên đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các đơn vị cần phải chú trọng nêu gương từ những việc nhỏ nhất. Đối với những việc liên quan đến lợi ích của đơn vị, của chiến sĩ như bảo đảm tiêu chuẩn báo chí, thì càng phải nêu gương một cách nghiêm túc, thật lòng. Sự nêu gương ấy của cán bộ cấp trên chắc chắn cấp dưới và chiến sĩ được nhờ, được hưởng thụ lợi ích chính đáng.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đọc báo trong ngày nghỉ tại khuôn viên đơn vị . Ảnh: THIỆN VĂN

PV: Việc giáo dục, nêu gương đã nói nhiều, nhưng hình như một số đơn vị vẫn “im lặng một cách khó hiểu”? Vậy, đã đến lúc cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tiêu chuẩn báo chí theo Thông tư 24 ở các đơn vị chưa, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Đây là biện pháp rất cần thiết. Tôi đề nghị các cấp, các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, thanh tra việc các đơn vị có sử dụng khoản kinh phí báo chí có đúng mục đích, nguyên tắc không, có quản lý chặt chẽ không, từ đó tìm ra những “kẽ hở”, vướng mắc để có biện pháp giải quyết kịp thời, chấn chỉnh hiệu quả. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cán bộ nào đặt báo chí vượt hay ngoài tiêu chuẩn thì phải kiên quyết cắt kinh phí mua báo sai quy định.

Tôi cũng đề nghị các đơn vị phát huy dân chủ, động viên khuyến khích cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở tham gia giám sát việc bảo đảm định mức, tiêu chuẩn báo chí tại đơn vị mình; chủ động, thẳng thắn đóng góp ý kiến phê bình đối với những cán bộ đặt báo chí không đúng quy định.

Báo chí là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, giàu chất văn hóa. Mỗi lần đọc báo là một lần học tập, mở mang tầm nhìn, hiểu biết để giúp mỗi người sống và làm việc tốt hơn. Tôi mong rằng, các đơn vị trong toàn quân nên nhận thức rõ ý nghĩa này để giáo dục, nâng cao “văn hóa đọc” cho cán bộ, chiến sĩ, từ đó nêu cao trách nhiệm trong việc quán triệt và thực hiện thật sự nghiêm túc Thông tư 24 về bảo đảm định mức, tiêu chuẩn báo chí cho bộ đội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THIỆN VĂN(thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/66/66/163310/Default.aspx