'Thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực... thì đứng qua một bên'

Tối ngày 27/8, Chủ tịch UBND thị xã La Gi đã tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường Bình Tân để xem xét, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đây là quyết định được ban hành ngay sau buổi kiểm tra thực tế của Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An và Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh vào chiều cùng ngày.

New Page 1

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra phòng chống dịch tại La Gi.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra phòng chống dịch tại La Gi.

Đây là cán bộ thứ 3 trên địa bàn tỉnh bị tạm đình chỉ công tác vì lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tạm đình chỉ công tác đối với một cán bộ, công chức là điều mà không một người đứng đầu cơ quan nào muốn, nhưng lại là biện pháp cần thiết để xốc lại bộ máy, đảm bảo cả hệ thống vận hành nhịp nhàng, hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay. Tính đến ngày 28/8, trên địa bàn thị xã La Gi có 1.448 trường hợp mắc Covid-19, nhưng chỉ riêng ở phường Bình Tân đã có 700 trường hợp nhiễm SARS – CoV – 2. Hơn bất cứ địa phương nào, cán bộ mà người đứng đầu là Chủ tịch UBND phường phải nắm rõ, hiểu sâu về các biện pháp phòng chống dịch cũng như cách chọn địa điểm, bố trí thời gian mời người dân tham gia xét nghiệm tầm soát Covid-19. Nhưng, chiều ngày 27/8, phường này lại mời hàng trăm người dân cùng đến địa điểm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cùng một thời điểm 13 giờ 30 phút. Việc tập trung quá đông người dân là sai so với các biện pháp phòng chống dịch cũng như Công văn số 3696 ngày 20/8 của UBND tỉnh hướng dẫn về cách tổ chức xét nghiệm sàng lọc. Và điều này cũng làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh đi ngược lại với mục đích tầm soát cộng đồng để bóc tách F0. Phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên công tác tổ chức phòng chống dịch ở phường Bình Tân có vấn đề. Trước đó, vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, khi công tác xét nghiệm cộng đồng được xem là biện pháp quyết định bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Hàng trăm cán bộ, y bác sĩ không quản ngại khó khăn, bất chấp mưa gió để thực hiện nhiệm vụ. Thì cũng tại phường Bình Tân, khi lực lượng y tế xuống, chính quyền đã không kêu gọi, tổ chức được người dân tham gia xét nghiệm. Khiến kế hoạch xét nghiệm chung của toàn thị xã bị ảnh hưởng, chậm tiến độ đề ra.

“Chống dịch như chống giặc”, “thần tốc truy vết, khẩn trương khoanh vùng”, “Tận dụng khoảng thời gian vàng”…những phương châm này đã nói lên tính cấp bách của việc chống dịch. Biến chủng Delta với tốc độ lây lan cao hơn từ 40 - 60% so các biến chủng trước đó và biểu hiện bệnh lý ra bên ngoài rất ít. Rất nhiều các trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã chuyển nặng, khả năng tử vong cao. Mà tỷ lệ tử vong 2,4% của các trường hợp mắc Covid-19 ở Việt Nam (cao hơn 0,3% so với trung bình của thế giới là 2,1%) đã cho thấy điều đó. Nên việc một địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch chậm, sai quy trình, làm cho có… là khó có thể chấp nhận được. Chỉ một sai sót, chậm triển khai là hậu quả gây ra rất lớn, có thể là cả tính mạng của người dân, công tác phòng chống dịch cũng bị ảnh hưởng, phải kéo dài.

Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 23/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chống dịch lúc đầu rất nghiêm, nhưng thời gian sau thì buông lỏng. Cá nhân, tập thể nào thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực thì đứng qua một bên, phải kỷ luật nghiêm để dịch không dây dưa mãi”. Điều này đã nói lên sự quyết tâm cao độ trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ. Tại Bình Thuận, ngày 26/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống dịch Covid-19”. Trong đó, Tỉnh ủy yêu cầu đồng chí Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Kịp thời xử lý nghiêm tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

So với các tỉnh bạn, hệ thống cơ sở vật chất của ngành y tế Bình Thuận còn nhiều hạn chế. Phương châm chống dịch của tỉnh là triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bằng hoặc cao hơn mức độ mà các ngành chức năng đã dự báo, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Triển khai các biện pháp phòng chống dịch như một guồng máy. Việc một mắt xích trong guồng máy đó “có vấn đề” sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống và cần thiết phải được thay thế để đảm bảo công việc được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả.

Nguyễn Luân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/thieu-trach-nhiem-khong-du-nang-luc-thi-dung-qua-mot-ben-140947.html