Thiếu nước giữa đỉnh nắng nóng, dân Tam Kỳ 'kêu trời'

Giữa thời điểm nắng nóng cực độ, Xí nghiệp nước Tam Kỳ bất ngờ giảm lưu lượng và áp lực nước khiến việc sản xuất đình trệ, đời sống người dân đảo lộn.

Những ngày qua, nền nhiệt tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) luôn duy trì ở mức cao, từ 35-39 độ C, có thời điểm vượt ngưỡng 40 độ C. Thế nhưng, Xí nghiệp nước Tam Kỳ - Công ty TNHH Kinh doanh nước sạch Quảng Nam, bất ngờ thông báo giảm lưu lượng và áp lực nước khiến việc sản xuất đình trệ, đời sống người dân đảo lộn, chỉ biết “kêu trời”.

Thiếu nước, cuộc sống đảo lộn

Trong thông báo, Xí nghiệp nước Tam Kỳ cho hay, việc điều chỉnh giảm lưu lượng và áp lực nước để khắc phục sự cố trên đường dẫn ống nước thô từ Hồ Phú Ninh về nhà máy.

Phải mất vài tiếng người dân mới trữ được ít nước sạch sinh hoạt tạm. Ảnh: TN

Ghi nhận của PV, từ ngày 21-5, các khu vực như phường Phước Hòa, Tân Thạnh, Trường Xuân, An Sơn… nguồn nước yếu hơn bình thường, có lúc ngắt hẳn. Việc sinh hoạt, giặt giũ của người dân gián đoạn, cuộc sống đảo lộn.

Trên các diễn đàn, người dùng mạng xã hội bàn tán, chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười. Dưới phần bình luận, các tài khoản thể hiện sự bức xúc trước việc thiếu nước trầm trọng giữa thời điểm nắng nóng cực độ.

Anh Tuấn (ngụ phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) cho biết, từ ngày 21-5, nước sinh hoạt bắt đầu yếu dần, đến khi đứt hẳn. Để khắc phục tạm thời, vợ chồng anh phải ra tiệm tạp hóa mua nước bình về cho các con tắm rửa, sinh hoạt. Anh cho rằng, phía công ty cần lựa thời điểm thích hợp để khắc phục sự cố.

“Nước yếu rồi mới có thông báo, mà thông báo cũng không gửi cho khách hàng, tôi chỉ tiếp nhận thông báo từ văn bản không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Trong thông báo, họ nói người dân trữ nước, nhưng khi hay tin thì đã không còn giọt nào. Không có nước tắm, giặt giũ, còn ba ngày nữa, không biết sống sao!”, anh Tuấn bức xúc.

Ở khu vực đường Trần Đại Nghĩa (TP Tam Kỳ), dù mở hết công suất nhưng vẫn không có nước. Ảnh: TN

Làm nhân viên vệ sinh tại quán nhậu ở TP Tam Kỳ, bà Thu cho biết, hai ngày qua nguồn nước sinh hoạt nhỏ giọt. Để tiện công việc, bà phải dùng tất cả thau, thùng… xả hết công suất để trữ.

“Đêm qua nước yếu, tôi không thể dọn quán sạch sẽ. Sáng nay, tôi phải tranh thủ đến quán sớm tích nước dọn dẹp, chuẩn bị chiều đón khách. Phải mất vài giờ mới trữ được vài thùng”, bà Thu nói.

Người dân phải tiếp tục chờ nước

Ông Võ Khắc Vinh, Phó Giám đốc Xí nghiệp nước Tam Kỳ, cho biết công ty đang xử lý sự cố, kết hợp lắp đồng hồ để kiểm soát lưu lượng nước thô. Nguồn nước sẽ yếu trong vòng 2-3 ngày tới.

Thông báo của Xí nghiệp nước Tam Kỳ. Ảnh: TN

“Qua ngày đó (25-5), nước về nhà máy đảm bảo rồi sẽ cấp trở lại bình thường. Vì nước sản xuất bị thiếu nên không thể đủ cấp cho khách hàng theo yêu cầu, phải giảm lưu lượng. Nếu bơm đủ thì chỉ được vài giờ sẽ đứt hẳn”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, đường ống dẫn nước thô bị “xì”, kết hợp phía Công ty Thủy lợi yêu cầu phải lắp đồng hồ kiểm soát nước nên kết hợp làm một lần, mất vài ngày. Trong thời điểm này, khách hàng ở xa bị ảnh hưởng. Bình thường, xí nghiệp bơm với lưu lượng 1.600m3/giờ, thời điểm này lưu lượng giảm gần 50%.

“Việc sửa chữa không còn thời gian nào hợp lý, khi có công văn triển khai thực hiện công ty phải giảm lưu lượng. Đây là sự cố phải khắc phục, không còn cách nào khác”, ông Vinh nói tiếp.

Khách hàng thắc mắc, ký hợp đồng mua nước với công ty, xí nghiệp, nhưng khi xảy ra sự cố không được thông báo, chỉ tiếp nhận qua mạng xã hội, phải chăng doanh nghiệp đang thiếu tôn trọng khách hàng?. Ông Vinh bỏ ngỏ câu trả lời để “nghe điện thoại của sếp”.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết phía công ty không hề báo TP về việc giảm lưu lượng nước.

"Trước sự cố cắt nước sinh hoạt, thành phố có văn bản đề nghị BOO (một công ty cấp nước khác ở Quảng Nam - PV) hỗ trợ cấp nước miễn phí cho dân tại một số địa điểm phù hợp. Đề xuất tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam phải tiếp nhận tạm nguồn của BOO để phục vụ dân, kinh phí chi trả theo giá quy định", ông Ảnh thông tin.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/thieu-nuoc-giua-dinh-nang-nong-dan-tam-ky-keu-troi-post734548.html