'Thiếu lửa' giải ngân

Giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2024 vẫn còn 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, nhiều địa phương vẫn 'sợ tiêu tiền công', cho thấy đầu tư công vẫn 'thiếu lửa', tuy rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quý 1 năm nay khá hơn so với cùng kỳ năm trước.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tổ công tác của Chính phủ đã đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tinh thần quyết liệt được “truyền lửa” xuống từng bộ, ngành, địa phương.

Để tránh tình trạng vốn bị ngâm, trung tuần tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 24 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ.

Triển khai, Bộ Tài chính đã yêu cầu đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống người dân. Đối với nguồn vật liệu cho thi công, đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư và nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ; xác định đủ nguồn cung vật liệu, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.

Trong số các địa phương chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, có TPHCM - đầu tàu kinh tế của đất nước. Mới đây, UBND thành phố đã có báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư công năm 2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, tổng khối lượng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kỳ là hơn 43.696 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 71,65% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao của thành phố.

Đáng chú ý, số dự án chậm tiến độ lên tới con số 283. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu, bố trí vốn không kịp thời.

Báo cáo của UBND TPHCM cũng cho biết, vẫn có tình trạng một số đơn vị chủ đầu tư khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư còn sơ sài, chưa nghiên cứu kỹ dẫn đến khi trình duyệt theo quy định thì gặp khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện thủ tục, thậm chí có trường hợp phải hủy bỏ.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công, UBND TPHCM đã ban hành Thông báo số 357, chỉ đạo các sở chuyên ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công ít nhất 30% so với quy định; các thủ tục liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải thực hiện tối đa 30 ngày. Các thủ tục đầu tư khác tối đa 10 ngày và UBND thành phố xem xét, có chỉ đạo tối đa 7 ngày làm việc.

Rốt ráo là vậy nhưng tiến độ giải ngân, thực hiện dự án đầu tư công vẫn chưa được như mong muốn. Năm 2024, TPHCM cần giải ngân hơn 79.260 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 tháng, thành phố mới giải ngân 5.969 tỷ đồng (đạt 7,5%). Điều này đồng nghĩa mỗi tháng còn lại tới cuối năm phải giải ngân gần 10.000 tỷ đồng, gần gấp đôi con số của 4 tháng qua.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đối với kinh tế Việt Nam, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa mang tầm chiến lược, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn. Cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm.

Nhìn vào những điểm nghẽn, ông Lâm cho biết do mức độ giải ngân vốn đầu tư công chậm nên thậm chí có địa phương vẫn "tha thiết" xin được hoàn trả lại vốn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nguồn lực của quốc gia, hiệu quả của mỗi đồng vốn đầu tư.

Phải chăng đang có tình trạng “sợ tiêu tiền công”. Vậy thì, lý do từ đâu? Đáng tiếc, vấn đề này đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng vẫn chưa có được nhiều chuyển động. Năng lực và khả năng hấp thụ vốn, triển khai dự án đầu tư công vẫn còn treo ở đó như một thách thức.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thieu-lua-giai-ngan-10279560.html